Doanh nghiệp chế biến và chế tạo có chi tiêu thuế lớn nhất nhưng thực nộp thấp nhất

Xét về ngành kinh tế, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo) có chi tiêu thuế lớn nhất và thuế suất thực nộp thấp nhất. Thậm chí thuế suất thực nộp chỉ bằng khoảng 1/5 mức thuế suất phổ thông.

Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

GS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, thực trạng hệ thống thuế hiện nay của Việt Nam còn phức tạp, chưa tương đồng với các nước trên thế giới.

Theo nghiên cứu vừa công bố của VEPR, con số ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp được tính toán từ các bộ điều tra doanh nghiệp là một con số rất đáng chú ý và tăng mạnh vào năm 2016. Ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp trong nghiên cứu này bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, 30% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp, 5% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn chi ngân sách cho y tế. Con số ước tính chi tiêu thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 đạt gần 86 nghìn tỷ đồng tăng 40% so với năm 2014 và tăng 50% so với năm 2012. Trong chi tiêu thuế, chi tiêu thuế do giảm thuế tăng gần gấp đôi từ mức 34 nghìn tỷ đồng (2012 và 2014) lên mức 64 nghìn tỷ đồng (2016).

Bên cạnh con số ước tính về chi tiêu thuế, nghiên cứu cũng tính toán một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ nộp thuế và thuế suất thực nộp. Số doanh nghiệp nộp thuế trong tổng số các doanh nghiệp có lợi nhuận dương là 48% (2012), 28% (2014) và 70% (2016). Nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp nộp thuế luôn chiếm trên 80% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp có lợi nhuận dương. Số doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi thuế (cả miễn thuế và giảm thuế) chiếm khoảng 90% (2012 và 2014) và hơn 60% (2016). Thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế chỉ bằng khoảng 70% mức thuế suất phổ thông của thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2012, thuế suất phổ thông là 25% thì mức thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế là 18,4%. Các con số tương ứng với năm 2014 lần lượt là 22% và 16,8%, còn các con số tương ứng với năm 2016 lần lượt là 20% và 13,6%.

Các tính toán của các chỉ tiêu trên đều chỉ ra ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có các đặc điểm sau: có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp.

Xét về quy mô doanh nghiệp, chi tiêu thuế của doanh nghiệp lớn chiếm tỷ lệ áp đảo, thuế suất thực nộp của nhóm này thường thấp thứ hai sau nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và chi tiêu thuế bình quân trên một doanh nghiệp của nhóm này cũng cao gấp hàng chục lần so với các nhóm khác. Xét về ngành kinh tế, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo) có chi tiêu thuế lớn nhất và thuế suất thực nộp thấp nhất. Thậm chí thuế suất thực nộp chỉ bằng khoảng 1/5 mức thuế suất phổ thông.

Xét về loại hình sở hữu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu nhưng lại có chi tiêu thuế chiếm khoảng một nửa. Thuế suất thực nộp của nhóm này cũng luôn thấp hơn các nhóm khác. Xét theo khu vực kinh tế, số doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng chi tiêu thuế của nhóm này luôn chiếm 30%. Chi tiêu thuế bình quân trên một doanh nghiệp của nhóm này cũng cao hơn ít nhất là 30 lần so với các khu vực kinh tế khác. Thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%, bằng khoảng một nửa mức thuế suất phổ thông (2016).

Dùng phương pháp doanh thu đạt được kết hợp với mô hình cân bằng tổng thể khả toán (CGE), nghiên cứu chỉ ra rằng nếu loại bỏ các ưu đãi của thuế thu nhập doanh nghiệp thì thu ngân sách sẽ tăng 20%. Tuy nhiên, kết quả mô phỏng cũng cho thấy rằng, việc loại bỏ các chính sách ưu đãi thuế có gây ra tác động tích cực hay tiêu cực cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hành động của Chính phủ. Nếu Chính phủ dùng phần ngân sách tăng thêm này để tăng đầu tư phát triển, hoặc trợ cấp cho người nghèo thì sẽ giúp cải thiện phúc lợi của xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu Chính phủ dùng phần ngân sách tăng thêm cho chi thường xuyên thì sẽ không làm tăng tăng trưởng kinh tế. Phân tích mô phỏng cho thấy, xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác động tiêu cực đến các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế. Trong trường hợp Chính phủ sử dụng phần ngân sách tăng thêm một cách khôn ngoan, thì việc xóa bỏ các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua việc tăng đầu tư hay tăng trợ cấp cho người nghèo.

M.P

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/doanh-nghiep-che-bien-va-che-tao-co-chi-tieu-thue-lon-nhat-nhung-thuc-nop-thap-nhat-542783.html