Doanh nghiệp chế biến hồ tiêu 'kêu' bị áp sai thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam kiến nghị áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15% cho các doanh nghiệp có nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn, giúp doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và chế biến sâu...

Ảnh minh họa.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hồ tiêu chất lượng cao đang bị áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% cho hình thức sơ chế sản phẩm tương tự các xưởng sản xuất thủ công.

"SƠ CHẾ" VÀ "CHẾ BIẾN" ÁP DỤNG 2 MỨC THUẾ KHÁC NHAU

Kiến nghị lên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đề nghị áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo hình thức chế biến là 15% cho các doanh nghiệp có nhà máy chế biến hồ tiêu đạt tiêu chuẩn, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

"Cần phải có định nghĩa rõ ràng về các thuật ngữ “sơ chế” và “chế biến”, vì hiện nay không có quy định cụ thể khiến các cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định hình thức sản phẩm và mức thuế áp dụng", Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam nêu kiến nghị.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 32,2 nghìn tấn, trị giá 105,22 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 3/2021. So với tháng 4/2020 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng mạnh về giá, lên tới 45,5%. Đã 18 năm nay, Việt Nam liên tục đứng vị trí số 1 thế giới về khối lượng hồ tiêu xuất khẩu, tuy nhiên, giá xuất khẩu tiêu của nước ta lại đang thấp nhất thế giới.

Hướng đi tất yếu để tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm tiêu bền vững, đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch...

BỘ TÀI CHÍNH NÓI GÌ?

Trả lời kiến nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính nêu rõ, tại khoản 2, khoản 6 và khoản 7, Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015. Đồng thời, điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung khoản 1a, điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã có quy định về các trường hợp này.

Cụ thể, thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với trường hợp bị áp thuế suất 10%, phát sinh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Còn trường hợp bị áp thuế suất 15%, được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Đối với hoạt động chế biến nông sản, thủy sản, thì thu nhập được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời các điều kiện. Đó là, tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm từ 30% trở lên; sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải xác định riêng thu nhập sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thu nhập miễn thuế tại khoản này bao gồm cả thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thu nhập từ việc bán phế liệu phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.

Sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng của hợp tác xã và của doanh nghiệp được xác định căn cứ theo mã ngành kinh tế cấp 1 của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quy định tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2018 quy định: Mã ngành cấp 1 (01240) – Trồng cây hồ tiêu thuộc cấp 1 A – Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Cấp 1 C – Công nghiệp chế biến, chế tạo không có quy định mã ngành cụ thể đối với hoạt động chế biến hồ tiêu.

Theo quy định pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên, hoạt động trồng cây hồ tiêu của doanh nghiệp được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Đối với hoạt động chế biến hồ tiêu, đề nghị Hiệp hội hồ tiêu liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định mã ngành kinh tế Việt Nam theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trâm Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-che-bien-ho-tieu-chat-luong-cao-keu-bi-ap-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-20.htm