Doanh nghiệp châu Á sẽ mất nhiều tỷ USD nếu Mỹ trừng phạt Iran?

Phía Mỹ có thể trả đũa những doanh nghiệp vẫn duy trì mối quan hệ với Iran.

Ảnh: The Investor

Các công ty xây dựng châu Á có thể mất đi các hợp đồng xây dựng hạ tầng tại Iran trị giá hàng tỷ USD khi Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và gây sức ép buộc các công ty cắt quan hệ với Tehran.

Tập đoàn xây dựng Hàn Quốc SK Engineering & Construction hiện đang rất lo lắng về khả năng khi Mỹ nối lại các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran sẽ hủy hoại dự án trị giá 1,6 tỷ USD để nâng cấp nhà máy lọc dầu tại thành phố Tabriz nằm cách thủ đô Tehran 600km về phía Tây Nam.

Vào năm ngoái, tập đoàn SK Holdings đã ký kết thỏa thuận với công ty Tabriz Oil Refining, một chi nhánh của tập đoàn dầu và khí đốt Parsian Oil and Gas Development Group để hiện đại hóa cơ sở này.

“Chúng tôi lo sợ rằng chúng tôi có thể để mất hợp đồng đó trong trường hợp xấu nhất. Chúng tôi đã cố gắng huy động tài chính cho dự án, thế nhưng nay chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình”, quản lý tại bộ phận kỹ thuật của tập đoàn, ông Kwon Hyuk-chul, cho biết.

Các doanh nghiệp không bị buộc phải tuân thủ với bất kỳ quy định trừng phạt nào mới mà Mỹ áp dụng với Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, phía Mỹ có thể trả đũa những doanh nghiệp vẫn duy trì mối quan hệ với Iran.

Công ty Hyundai Engineering, công ty liên kết của tập đoàn Hyundai Motor, còn đang đối diện với khả năng chịu thiệt hại nhiều hơn. Trong năm ngoái, công ty ký kết hợp đồng trị giá 3,1 tỷ euro, tương đương 3,68 tỷ USD ở tỷ giá hiện tại với một công ty liên kết của tập đoàn dầu lửa nhà nước Iran để xây dựng nhà máy ở miền Nam Iran.

Đây là hợp đồng có giá trị lớn nhất mà một công ty xây dựng Hàn Quốc từng có được. Các tổ chức tài chính thuộc chính phủ Hàn Quốc cũng đã đảm bảo sẽ hỗ trợ tín dụng cho dự án nhằm giúp Hyundai giành được hợp đồng.

Hyundai Engineering đã hy vọng sẽ có thể khởi động dự án mà không gặp phải vướng mắc gì, công ty đã huy động mọi nguồn lực để giành được hợp đồng, công ty cũng cử đi nhiều nhân viên nhằm quảng bá về công nghệ và kinh nghiệm của công ty trong lĩnh vực này.

Sau diễn biến mới nhất, phát ngôn viên của công ty tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng thỏa thuận sẽ sụp đổ ở hiện tại. Còn quá sớm để dự báo về số phận của nó ở hiện tại. Chúng tôi vẫn đang xem xét diễn biến vụ việc”.

Các công ty năng lượng và đầu tư của Nhật cũng có chung mối lo. Inpex, Mitsui & Co và Mitsubishi Corp đều đã đấu thầu các dự án năng lượng và khí đốt tại Iran, thế nhưng họ đang tính đến khả năng bỏ cuộc.

Giám đốc điều hành tại Inpex, công ty dầu và khí đốt lớn nhất tại Nhật, ông Masahiro Murayama nói: “Trở ngại của dự án đang ngày một lớn dần. Tình hình rất đáng lo ngại”.

Ông cho biết Inpex sẽ rút đấu thầu tại giếng dầu Azadegan ở miền Tây Iran nếu Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt nặng chống Iran: “Chúng tôi có thể nhận thấy rủi ro tại Iran cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông đang tăng cao. Chúng tôi sẽ luôn chú ý chặt chẽ đến tình hình”.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/doanh-nghiep-chau-a-se-mat-nhieu-ty-usd-neu-my-trung-phat-iran-3449355.html