Doanh nghiệp chật vật vay vốn

Chương trình Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp giúp hàng ngàn tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn đầu tư. Thế nhưng, bên cạnh những hiệu quả đạt được, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, vướng mắc về vốn. Trong đó, vấn đề về tài sản thế chấp, hồ sơ, thủ tục… trở thành rào cản lớn.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng.

Rào cản thế chấp và thủ tục

Ngày 18/4, tại TP HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN). Hội nghị được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, thúc đẩy tăng trưởng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tại Hội nghị, không ít DN bày tỏ băn khoăn về việc tiếp cận vốn đầu tư, mặc dù đã có những chương trình hỗ trợ cụ thể.

Ông Từ Minh Thiện – Phó Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM cho hay: “Chính sách hỗ trợ phát triển có thể chưa phù hợp hoặc chưa thật sự hấp dẫn với các DN”. Vị này lấy ví dụ, mặc dù đối tượng được hưởng ưu đã về lãi suất hầu như chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ cao và quy mô lớn, trong khi tiềm lực của các DN vừa và nhỏ chỉ dừng lại ở đầu tư từng phần, nhỏ lẻ.

Theo Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, ngày càng có những hoạt động cung ứng tín dụng nhiều hơn cho các hợp tác xã, hộ nông dân nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn còn chưa đủ và thời gian hoàn tất các thủ tục vay tương đối dài so với nhu cầu mang tính thời vụ.

Đại diện Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố cho biết thêm, có tình trạng các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn để sản xuất nhưng không đủ điều kiện. Vấn đề thế chấp ngân hàng vẫn là trở ngại lớn đối với các hợp tác xã, DN vừa và nhỏ, nông dân cá thể. “Một hộ nông dân với quy mô lao động khoảng 2 người chắc chắn không có tư cách pháp nhân, đặc biệt không có tài sản thế chấp chắc chắn không thể là khách hàng của ngân hàng, không thể đàm phán với người bán các yếu tố đầu vào như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…” – ông Thiện lý giải.

Chia sẻ về nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, Công ty Cổ phần Cơ khí thương mại Đại Dũng cho hay, đơn vị cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, mặc dù doanh thu năm 2018 của họ đạt 3.000 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu đạt 60 – 80 triệu USD. Dự kiến , năm 2019 doanh thu là 4.200 tỷ đồng. “Cần rất nhiều tài sản để thế chấp. Theo đó, tỷ lệ sẽ là 1 đồng thế chấp chỉ vay được 2 đồng. Ngặt nỗi, đất thuê trong khu công nghiệp hàng chục năm rất có giá trị mà không được tính là tài sản thế chấp” – ông Nguyễn Văn Hậu, đại diện công ty trên băn khoăn.

Lo ngại về tài sản thế chấp, Công ty Cổ phần và Thương mại Lidovit cho hay, những doanh nghiệp được hỗ trợ, tỷ lệ thế chấp đến 15%. Cái vướng hiện nay là các DN ở TP HCM đa phần thuê đất khu công nghiệp, DN vẫn trả tiền thuê đất hàng năm. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM nên có cơ chế bảo đảm tài sản thế chấp đó để DN có nguồn thế chấp cho ngân hàng.

Quản lý dòng tiền, thay vì thế chấp

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thời gian qua ngân hàng thực hiện tốt việc tiếp vốn cho DN. Điển hình, cuối năm 2018, các ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng đã giải ngân cho 10.092 khách hàng với tổng số tiền 269.493 tỷ đồng, vượt xa con số cam kết ban đầu là 9.495 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2019 có 15 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia với tổng số tiền đăng ký là 269.262 tỷ đồng. Tuy nhiên đến ngày 31/3 vừa qua, các ngân hàng đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng cho 1.98 khách hàng.

Trước kết quả hỗ trợ vốn từ ngân hàng cho DN, Ngân hàng Nhà nước cùng thành phố đánh giá cao nỗ lực trên. Lý do, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp góp phần giúp TP HCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, góp vào tăng trưởng kinh tế của thành đạt 8,3%.

Nhằm nâng cao hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ tín dụng cho DN, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi giúp DN tiếp cận vốn ngân hàng. Song song đó, ngành ngân hàng tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận vốn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

“Câu chuyện quan hệ tín dụng, hay hồ sơ cho vay đều công khai minh bạch lãi suất, phí, công bố thời gian xét duyệt cho vay” – Phó Thống đốc nhấn mạnh. Riêng về tài sản thế chấp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sắp tới đây là xu hướng quản lý dòng tiền chứ không phải thế chấp. Quan điểm là làm sao quản lý được dòng tiền thay cho việc thế chấp. Điều này giúp mọi chuyện thuận lợi hơn, đây cũng chính là xu hướng công khai minh bạch của nền kinh tế.

* Kết quả triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã góp phần giúp TP HCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt trên 346 tỷ đồng, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế của TP đạt 8,3%. Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế thành phố cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng 2,8% so với cuối năm 2018.

Q. Định

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/doanh-nghiep-chat-vat-vay-von-tintuc434914