Doanh nghiệp chật vật vay vốn ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, thủ tục phức tạp hơn. Lãi suất đã giảm khoảng 0,5-1% nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng của doanh nghiệp.

Sở hữu một trang trại rộng hơn 10 ha tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy và anh Đỗ Văn Nam mất gần 2 tháng để được giải ngân khoản vay 10 tỷ đồng đầu tư một trang trại nuôi gà. “Thủ tục xong là chưa đủ, chúng tôi còn phải đợi chi nhánh ngân hàng có room mới được giải ngân”, chị Thúy chia sẻ.

Cũng trong tình trạng xếp “slot” (xếp chỗ), anh Duy Quang (Dĩ An, Bình Dương) còn chưa biết ngày nào được giải ngân với khoản vay hơn 3 tỷ đồng của mình. Anh cho biết khi quyết định vay, ngoài thủ tục thắt chặt hơn thời gian trước đây, nhân viên ngân hàng còn chủ động trao đổi trước về việc phải xếp “slot” chờ giải ngân.

Tình trạng khó vay vốn, mất nhiều thời gian giải ngân đang khiến nhiều doanh nghiệp ngày càng chật vật hơn trong việc tìm kiếm dòng tiền khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu mới đây trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất về dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán tài sản với giá rẻ để duy trì hoạt động. Ông cũng đánh giá điều hành tiền tệ hiện có vấn đề "lúc thả nhanh, lúc phanh gấp" khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

Vay vốn ngày càng khó khăn

Anh Duy Quang cho biết công ty sản xuất đồ gỗ của anh ở Đông Hòa, Dĩ An (Bình Dương) phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành thủ tục vay vốn ngân hàng. Nguyên nhân do điều kiện vay, việc thẩm định cho vay đã thắt chặt hơn rất nhiều so với năm trước.

 Doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh: Minh Hoàng.

Doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh: Minh Hoàng.

Năm ngoái, khi thị trường xuất khẩu đồ gỗ sôi động, doanh thu của công ty đạt 300 tỷ đồng, riêng quý I/2022 đạt 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thị trường thế giới bắt đầu suy giảm từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 doanh thu lao dốc.

Trong 3 tháng đầu năm, cả công ty hơn 200 công nhân gần như không duy trì được việc làm đều đặn, nghỉ luân phiên, doanh thu chỉ còn khoảng 7 tỷ đồng, giảm hơn 10 lần so với năm 2022. Để có tiền duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân, công ty anh Duy Quang buộc phải vay ngân hàng để hỗ trợ dòng tiền.

Tuy vậy, khi đánh giá cho vay, ngân hàng lại xếp công ty vào diện ngành nghề biến động. Theo đó, doanh thu có sự sụt giảm mạnh so với năm 2022, không ổn định, nên không thể vay một khoản lớn như năm trước. Tỷ lệ vay sẽ giảm gần như tương ứng với tỷ lệ giảm của doanh thu.

Trước đó, ngân hàng thường yêu cầu các báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh trong khoảng 3-6 tháng trong khâu làm hồ sơ kinh doanh. Tuy nhiên, yêu cầu hiện nay đã dài ra trong khoảng 6-12 tháng. Với tình hình quý I ảm đạm, nhiều công ty rất khó vay vốn trong giai đoạn từ đầu năm đến nay.

Còn với trang trại của chị Thúy, ngay từ đầu khi thẩm định cho vay, nhân viên ngân hàng đã chia sẻ việc nhà băng đang thiếu hạn mức tín dụng (room tín dụng). Điều này buộc khách hàng phải xếp chỗ (xếp slot) chờ giải ngân. Việc giải ngân tùy thuộc vào việc ngân hàng phải thu hồi các khoản nợ của khách hàng cũ, sau đó mới chuyển tiền được cho khách hàng mới. Không có một khoảng thời gian cụ thể nào được hứa hẹn ngày giải ngân.

“Tôi có thể chấp nhận việc chờ đợi hoặc không”, chị Thúy nói.

Chờ đợi để giải ngân

Theo nhân viên một số ngân hàng tại Hà Nội, nhiều chi nhánh đã bắt đầu cạn room tín dụng từ tháng 4. Điều này khiến các khoản cho vay mới phụ thuộc vào lượng tiền tất toán của khách hàng cũ.

Với mức lãi suất 9,5%, chị Thúy cho biết vẫn còn rất cao so với loại hình kinh doanh trang trại. Với số lượng gà lớn, hàng ngày trang trại đều phải lo tiền thức ăn, công nhân, thuốc men… trong khi tiêu dùng trong nước ngày càng yếu, giá gia cầm bán ra ngày càng rẻ. Chị Thúy mong muốn lãi suất tiếp tục hạ nhiệt, đặc biệt là với những ngành nghề kinh doanh mà biên độ lợi nhuận không cao.

Lãi suất dẫu đã được giảm bớt nhưng vẫn neo ở mức cao. Ảnh: Việt Linh.

Trong một báo cáo đầu năm 2023, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động, vốn đầu tư trung và dài hạn đang đặt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế rất cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.

Ngoài việc đơn hàng và thị trường sụt giảm (khiến dòng tiền vào giảm mạnh) ở nhiều ngành, doanh nghiệp còn gặp thách thức đặc biệt lớn về tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như trong việc duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp.

Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.

Lãi suất vẫn ở mức cao với doanh nghiệp

Riêng về nhóm bất động sản, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group, cho rằng ngành này, chủ đầu tư đang là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất khi vay vốn ngân hàng. Thậm chí, một số doanh nghiệp có tiềm lực và dự án chất lượng cũng rơi vào hoàn cảnh khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Tính pháp lý của dự án sẽ là điều kiện mấu chốt để ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tổng giám đốc BHS Group cho biết nhiều ngân hàng đang siết chặt các điều kiện cho vay đối với các chủ đầu tư bất động sản. Chỉ có những dự án đảm bảo được tính pháp lý mới được ngân hàng xét duyệt.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các vướng mắc về mặt pháp lý lại chiếm tới 70% trong số các khó khăn của doanh nghiệp địa ốc. Điều này cho thấy không ít đơn vị đang rơi vào thế khó trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Ngoài ra, vị này còn cho rằng kể cả khi chủ đầu tư có đủ điều kiện vay vốn, việc lãi suất ở mức cao vẫn là một trở ngại không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Một số ngân hàng còn xem xét dự án có đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và có khả năng bán được hàng hay không. Nếu câu trả lời là có, khi đó vốn mới tới tay doanh nghiệp

Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group

“Đây mới thực sự là khó khăn lớn nhất của các chủ đầu tư. Thông thường, doanh nghiệp vay ngân hàng phải quay vốn thật nhanh. Sau khi vay xong phải phát triển dự án ngay lập tức để bán hàng, thu hồi vốn. Tuy nhiên, thị trường đang không ủng hộ điều đó khi thanh khoản rất chậm”, ông Nga bình luận.

“Thậm chí, một số ngân hàng còn xem xét dự án có đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và có khả năng bán được hàng hay không. Nếu câu trả lời là có, khi đó vốn mới tới tay doanh nghiệp”, ông Lê Xuân Nga chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó giám đốc bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính Savills Hà Nội, thay vì siết chặt tín dụng, các ngân hàng thương mại có thể kiểm soát chặt chẽ những nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay, từ cả phía chủ đầu tư, nhà phát triển và người mua nhà.

Cụ thể, ngân hàng nên đánh giá uy tín và năng lực của chủ đầu tư. Đồng thời, chất lượng và hiệu quả tài chính của các dự án sử dụng nguồn vốn này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Từ đó, ngân hàng có thể đảm bảo các dự án sẽ được triển khai đúng thời hạn và có đủ dòng tiền để trả các khoản vay và nợ gốc.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, lại cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét bổ sung gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng trước đây để gỡ vướng cho thị trường. Về room tín dụng, ông Châu mong muốn Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng chỉ đạo của thống đốc hồi đầu năm là tăng trưởng 14% và trong trường hợp cần thiết sẽ tăng lên.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-chat-vat-vay-von-ngan-hang-post1431774.html