Doanh nghiệp cần xây dựng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phù hợp

Ngày 28/11, Diễn đàn An toàn thực phẩm quốc tế lần thứ 7 với chủ đề 'Thực phẩm an toàn hơn, kinh doanh tốt hơn' do IFC tổ chức đã khai mạc tại TP. Hồ Chí Minh.

Diễn đàn có sự tham gia thảo luận của nhiều chuyên gia về việc đầu tư vào an toàn thực phẩm và xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm để có thể giúp các doanh nghiệp (DN) tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới, tạo thêm việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Các DN cần áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ về an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, là một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, năm 2017, giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam lên tới hơn 18 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bị thiệt hại khoảng 700 triệu USD mỗi năm do vấn đề mất an toàn thực phẩm. Thực phẩm không an toàn không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng mà còn làm mất đi hình ảnh, thương hiệu của quốc gia. Do đó, muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực phẩm của Việt Nam, Chính phủ cần có những chiến lược phù hợp, trong đó có thể áp dụng kinh nghiệm thực tế của một số nước trên thế giới.

Chia sẻ kinh nghiệm của New Zealand, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết, ở đất nước này, an toàn thực phẩm được xây dựng thành văn hóa, trách nhiệm đối với tất cả mọi người, kể cả DN lẫn người nông dân và người tiêu dùng. New Zealand ưu tiên hỗ trợ bởi vai trò quan trọng của an toàn thực phẩm đối với việc đảm bảo sức khỏe người dân, giảm nghèo và tạo việc làm. "Thông qua IFC, chúng tôi hỗ trợ các DN Việt Nam nâng cao năng lực và áp dụng các hệ thống quản lý hiệu quả trong sản xuất thực phẩm an toàn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó giúp tiếp cận các thị trường mới và mở rộng hoạt động kinh doanh" - bà Wendy Matthews cho hay.

Dưới góc độ DN, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam cũng nhận định, trước đây, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng chủ yếu chỉ được thực hiện trên các sản phẩm xuất khẩu do yêu cầu của phía đối tác. Nhưng hiện nay, thị trường trong nước cũng đã bắt đầu có những yêu cầu rất cao, thậm chí tương đương với thị trường của các nước phát triển. Do đó, để không bị mất thị phần ở trong nước, các DN cần nhanh chóng thay đổi để đáp ứng kịp nhu cầu của người tiêu dùng.

Tại diễn đàn, các chuyên gia của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu cũng đã thảo luận vì sao các DN cần áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ về an toàn thực phẩm. Đầu tư vào an toàn thực phẩm giúp các DN cải thiện hiệu suất và tiết kiệm được chi phí vận hành, và nâng cao giá trị thương hiệu. Hơn nữa, doanh số tăng lên, cơ hội thị trường đa dạng và lợi nhuận gia tăng trong dài hạn sẽ bù đắp được các chi phí đầu tư.

Đầu tư vào các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết đối với sự tăng trưởng của ngành kinh doanh nông nghiệp ở bất kỳ quốc gia nào. Các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận đã chứng minh là mang lại kết quả tích cực, bao gồm quản lý rủi ro tốt hơn và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn. Ngoài ra, đối với nhà đầu tư, một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm toàn diện và hiệu quả là dấu hiệu của một DN bền vững- Bà Rana Karadsheh, Giám đốc châu Á của IFC, phụ trách khối ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ nhấn mạnh.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-can-xay-dung-cac-tieu-chuan-an-toan-thuc-pham-phu-hop-112537.html