Doanh nghiệp cần vượt qua rào cản tâm lý để thúc đẩy an toàn thực phẩm

Ngày 28/11, Diễn đàn An toàn thực phẩm quốc tế lần thứ 7 với chủ đề 'Thực phẩm an toàn hơn, kinh doanh tốt hơn' do IFC tổ chức đã khai mạc tại TPHCM với sự tham gia thảo luận của nhiều chuyên gia về việc đầu tư vào an toàn thực phẩm và xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới, tạo thêm việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng thực phẩm. Ảnh: N.Hiền

Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam, nơi ngành thực phẩm có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 15% - nằm trong số các thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á. Song, việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn phù hợp sẽ có thể cản trở sự tăng trưởng bền vững của ngành, làm giảm các cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất thực phẩm trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Áp lực thay đổi

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho hay, năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,5 tỷ nông sản và thực phẩm. Nhưng theo thống kê của các chuyên gia Ngân hàng thế giới, Việt Nam cũng đã phải chi tới 740 triệu USD để giải quyết các vấn đề về an toàn thực phẩm và con số này có thể tăng lên gấp đôi trong tương lai. Điều này đặt ra đòi hỏi rất lớn về đầu tư cho an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giới trung lưu tại Việt Nam cũng đang tăng nhanh, đi kèm đó là sự gia tăng về nhu cầu đối với các loại thực phẩm chất lượng cao. “Những căng thẳng thương mại trong thời gian gần đây cho thấy cạnh tranh đang và sẽ ngày càng mạnh hơn. Do đó, Chính phủ cần có các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển an toàn thực phẩm” – ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam cũng nhận định, trước đây việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng chủ yếu chỉ được thực hiện trên các sản phẩm xuất khẩu do yêu cầu của phía đối tác. Nhưng hiện nay, thị trường trong nước cũng đã bắt đầu có những yêu cầu rất cao, thậm chí tương đương với thị trường của các nước phát triển. Do đó, để không bị mất thị phần ở trong nước, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi để đáp ứng kịp nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy an toàn thực phẩm, vấn đề giáo dục người dân về an toàn thực phẩm cũng là yếu tố rất quan trọng. Điều này sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu thị trường.

Đầu tư cho giá trị lâu dài

Trên thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, của Việt Nam đạt các tiêu chuẩn chứng nhận như VietGAP, Global GAP… còn rất hạn chế. Để cải thiện điều này, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua được “rào cản” tâm lý, thực sự hiểu được những giá trị mà những tiêu chuẩn quốc tế mang lại.

Bà Sarah Cruikshank Ockman, Giám đốc Toàn cầu Chương trình An toàn Thực phẩm của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho hay, nhiều doanh nghiệp vẫn xem việc đầu tư vào các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là một loại chi phí. Nhưng thực tế, đây chính là một khoản đầu tư cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo đó, đầu tư vào an toàn thực phẩm giúp các doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và tiết kiệm được chi phí vận hành và nâng cao giá trị thương hiệu. Hơn nữa, khi doanh số tăng lên, cơ hội thị trường đa dạng và lợi nhuận gia tăng trong dài hạn sẽ bù đắp được các chi phí đầu tư.

Bà Rana Karadsheh, Giám đốc châu Á của IFC, phụ trách khối ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ cho biết, đầu tư vào các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết đối với sự tăng trưởng của ngành kinh doanh nông nghiệp của bất kỳ quốc gia nào. Các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận đã chứng minh là mang lại kết quả tích cực, bao gồm quản lý rủi ro tốt hơn và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn. Ngoài ra, đối với nhà đầu tư, một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm toàn diện và hiệu quả là dấu hiệu của một doanh nghiệp bền vững.

IFC là thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới với hơn 15 năm kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ tư vấn an toàn thực phẩm cho các khách hàng là các doanh nghiệp nông nghiệp và nhà bán lẻ trên toàn thế giới. IFC đã hỗ trợ 150 khách hàng đến từ 30 quốc gia thu hút tổng đầu tư trị giá 290 triệu USD và tạo ra thêm hơn 230 triệu USD doanh thu. Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của New Zealand và Cộng hòa Slovak, IFC giúp nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đào tạo các nông hộ nhỏ nhằm đạt được các chứng nhận quốc tế, qua đó nâng cao thu nhập và đóng góp vào an toàn thực phẩm.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-can-vuot-qua-rao-can-tam-ly-de-thuc-day-an-toan-thuc-pham.aspx