Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Sáng ngày 22/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức khóa huấn luyện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản (trái cây) sang thị trường Trung Quốc.

Toàn cảnh khóa đào tạo. Ảnh: Quang Huy

Toàn cảnh khóa đào tạo. Ảnh: Quang Huy

Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 22 – 23/7, đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ thương mại trong và ngoài nước.

Khóa huấn luyện lần này tập trung cập nhật tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông tin về quy định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc; tổng quan về hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu nông sản (trái cây) sang thị trường Trung Quốc; nâng cao năng lực thiết kế bao bì, nhãn mác; các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong sản xuất.

Phát biểu tại lễ khai mạc khóa huấn luyện, bà Doãn Thị Thu Thủy – hàm Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) cho biết, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh với thị trường Trung Quốc còn hạn chế hiểu biết về các quy định, yêu cầu của thị trường; kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết. Do đó, doanh nghiệp thường phải đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất và kinh doanh, dẫn đến thua thiệt và xuất khẩu chưa được triển khai trên nền tảng bền vững.

Theo thống kê, giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,26 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, trong khi đó, sản lượng xuất khẩu rau quả từ Việt Nam đến nhiều thị trường khác trong 3 tháng đầu năm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá nguyên nhân giảm sút về giá trị xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam, bà Thủy cũng nhận định rằng, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu do đóng cửa biên giới và hạn chế giao thương. Xuất khẩu hàng hóa theo đường biên mậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở trên toàn tuyến biên giới bị ngừng hoàn toàn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu về bảo quản, đóng gói sản phẩm. Từ năm 2019, Trung Quốc nâng tiêu chuẩn đối với hoa quả nhập khẩu, đặc biệt là như truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu khác liên quan đến chất lượng cũng góp phần khiến sản lượng hoa quả Việt Nam xuất Trung Quốc giảm nhất định.

Phía đại diện Cục XTTM nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam trong nhiều năm tới, bởi nhu cầu cao, chi phí thấp… Tuy nhiên, để xuất khẩu thành công và bền vững sang thị trường này, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, thay đổi tư duy xuất khẩu theo hướng chính ngạch.

Từ những thực tế nêu trên, có thể thấy thêm một bài học quý giá cho doanh nghiệp, đó là khi dịch Covid - 19 bùng phát, trong khi xuất khẩu theo đường biên mậu bị ách tắc, thì các lô hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch vẫn được thông quan bình thường. Đặc biệt, một số loại trái cây của Việt Nam mà Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn, các doanh nghiệp bên phía nước bạn đang chuyển dần sang nhập khẩu theo con đường chính ngạch.

Trước những thực tế yêu cầu của thị trường Trung Quốc và các thị trường trọng điểm khác về sản phẩm nông sản nhập khẩu, Cục XTTM mong muốn các tổ chức hỗ trợ thương mại sẽ hiểu rõ hơn về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các kỹ thuật và kiến thức nền tảng của dịch vụ này; các doanh nghiệp có thể nhìn rõ hơn được bức tranh tổng thể về những quy định nhập khẩu hàng nông sản và trái cây tươi của thị trường Trung Quốc và thế giới, từ đó thiết kế và triển khai các hoạt động kinh doanh được hiệu quả./.

Quang Huy

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-22/doanh-nghiep-can-thay-doi-tu-duy-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-89837.aspx