Doanh nghiệp cần nhận thức hai khía cạnh đặc biệt của RCEP

'Khởi động đàm phán vào năm 2013 với 25 phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP đã đạt được tiến bộ đáng kể. Hiệp định này sẽ có mức độ cam kết sâu rộng hơn với những tiến bộ đáng kể hơn so với các FTA ASEAN+ hiện hành'.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính tại hội thảo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP - Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ- hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ASEAN và 6 đối tác Đông Á đang nỗ lực để thành lập khu vực thương mại kinh tế lớn nhất thế giới ở Châu Á. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã nổi lên như một FTA lớn cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

RCEP chiếm 50% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu. Thương mại giao dịch giữa các thành viên RCEP hiện tại chiếm 28% thương mại thế giới. Tầm quan trọng của RCEP chủ yếu là kinh tế. Hiệp định này có khả năng hài hòa các quy tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh giữa nhiều FTA và chồng chéo ở Đông Á, qua đó đóng vai trò là một khối xây dựng cho hệ thống thương mại đa phương. Tuy nhiên, các khía cạnh chiến lược của RCEP cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với Mỹ đang ngày càng hướng nội, vì có tiềm năng tạo ra một mô hình mới.

Việc tham gia tích cực hai Hiệp định lớn nhất thế giới sẽ giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế cao hơn và tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp sức ép cạnh tranh đáng kể khi tham gia RCEP. “Hiện nay nước ta vẫn phụ thuộc đáng kể về đầu vào nhập khẩu để phục vụ sản xuất, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế. Do đó, để tận dụng tối đa các cơ hội từ RCEP, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, nên xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức hai khía cạnh đặc biệt của RCEP. Thứ nhất, thỏa thuận liên quan đến một trong những mạng lưới sản xuất năng động nhất trên thế giới, vì vậy các doanh nghiệp nên liên kết với nhau tham gia chuỗi giá trị hơn là bước một mình. Thứ hai, các chuỗi giá trị của RCEP phụ thuộc vào FDI từ các nhóm kinh tế lớn của Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Để tham gia chuỗi giá trị trong RCEP, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về các nhóm này.

Ánh Dương

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/doanh-nghiep-can-nhan-thuc-hai-khia-canh-dac-biet-cua-rcep-d2067235.html