Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch

Sáng 30-6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

“Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương cũng đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm các công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm…

Tại hội thảo, chia sẻ một số vấn đề mới trong yêu cầu đáp ứng quy định kỹ thuật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng thực phẩm chịu nhiều ảnh hưởng đột ngột một cách trực tiếp và gián tiếp từ tình hình dịch bệnh, các biến động về chính trị, giá nhiên liệu tăng cao... thì các biện pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và linh hoạt đang ngày càng trở nên quan trọng.

Quang cảnh hội thảo.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Tấn, nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu.

Ví dụ như cam kết của doanh nghiệp, hoạt động thẩm xét và xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu, sự tham gia của mạng lưới đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước... Các yêu cầu này không chỉ phức tạp về cơ chế phối hợp mà còn hết sức đa dạng do đặc thù quản lý và năng lực kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Do đó, ông Nguyễn Việt Tấn khuyến nghị, các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại; thông tin kịp thời sự thay đổi trong các quy định về an toàn thực phẩm của các nước tới doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Phiên thảo luận tại hội thảo.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để từ đó nâng cao vị thế của các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới.

"Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, “hàng rào kỹ thuật về TBT” và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Nguyễn Việt Tấn khuyến cáo.

PHƯƠNG THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/doanh-nghiep-can-nang-cao-trach-nhiem-trong-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-sach-698550