Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn và thông tin để tối ưu hóa cơ hội từ EVFTA

Thiếu vốn và thông tin là những khó khăn mà đại đa số doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt trong thực thi EVFTA, nhất là trong việc tận dụng chuyển hóa các cơ hội thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu.

Đây là vấn đề được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nhiều doanh nghiệp cùng thẳng thắn nêu lên tại Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” do Bộ Công thương tổ chức ngày 5/6 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, thông tin mà doanh nghiệp SMEs đang rất thiếu hiện nay liên quan đến thị trường EU, thông tin về các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.

Theo đại diện Hiệp hội, hiện nay đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều quen với cách tiếp cận thông tin qua các trang website của Việt Nam giới thiệu về đất nước, về thị trường EU, mà các trang web này nhiều khi không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến lượng thông tin có hạn, không đề cập sâu rộng về các vấn đề thị trường, nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu cũng như các quy định về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU.

Liên quan vấn đề về thiếu vốn, trong điều kiện số lượng lớn nhưng quy mô lại rất nhỏ với quy mô trung bình lao động không quá 10 người và tổng số vốn không quá 3 tỷ đồng ở doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động không quá 100 người, tổng số vốn dưới 20 tỷ đồng, chiếm đến trên 70%, Hiệp hội nêu thực trang khó khăn khi bước vào thực thi EVFTA.

Theo đó, các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở, vì nguồn vốn rất hạn chế, trong khi các điều kiện theo quy định của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa... là rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn.

Trong điều kiện hạn chế này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, nếu biết cách tiếp cận và khai thác theo hướng đi theo thị trường chuyên biệt, thị trường ngách thì vẫn có thể tận dụng được các lợi thế từ EVFTA.

Theo ông Phú, EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng khác biệt, chưa kể EVFTA là yêu cầu của thị trường chung, còn mỗi khách hàng có thể có những yêu cầu riêng (buyers requirement). Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn khoảng cách cần cải thiện, nên có cách tiếp cận thị trường phù hợp.

“Với các thị trường đầu tàu truyền thống (như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ) được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình”, ông Phú đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, thị trường EU là một thị trường có giá trị gia tăng cao nên rất nhiều nhà xuất khẩu trên thế giới quan tâm đến thị trường này. Hơn nữa, EU còn có rất nhiều đối tác FTA và những đối tác này đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam khi tiếp cận thị trường.

Do đó, bên cạnh các thị trường truyền thống, có nhiều thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chưa cao nhưng đang có xu hướng gia tăng và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh được coi là “cánh cửa” giúp hàng Việt vào sâu hơn nữa thị trường EU.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Với định hướng này, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh xác định mục tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhằm chuẩn bị những hành trang cần thiết để tiếp cận và khai thác thị trường EU một cách chủ động, hiệu quả;

Bên cạnh đó, định hướng, hỗ trợ xây dựng kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại mang tính trung và dài hạn, bài bản phù hợp với thị trường EU cho những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà xuất khẩu, hiệp hội tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tối đa hóa lợi ích mà các cam kết của hiệp định EVFTA mang lại...

Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết, thực tế quan hệ thương mại song phương trong thời gian qua cho thấy EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU.

Theo các chuyên gia của châu Âu, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải…

“Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan ở hiệp định này sẽ mang lại lợi thế to lớn cho các sản phẩm Việt như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử...

Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận… Đây đều là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing sản phẩm các mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EU”, đại diện Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị.

Để giải quyết bài toán thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp thống nhất với đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tăng nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA.

“Chúng tôi đề xuất trên cơ sở các quy định của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại tăng nguồn lực về tài chính hỗ trợ về tín dụng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực hiện các dự án EVFTA, các dự án đầu tư công nghệ, cải thiện điều kiện kinh doanh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hàng hóa…, đáp ứng các nội dung cam kết của Hiệp định EVFTA, sớm đưa ra các văn bản hướng dẫn và các cơ chế cụ thể về điều kiện cho vay, để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực, vốn vay ưu đãi để triển khai các dự án liên quan đến EVFTA”, ông Thân kiến nghị

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: "Những thuận lợi về cải cách thế chế và cơ chế hợp tác theo các FTA cũng như thực thi EVFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho chúng ta khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động.

Đây cũng là những cơ hội để chúng ta tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do Covid-19 và những tình huống mới trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu".

Bộ Công thương cho biết, kết quả rà soát, đánh giá và tham vấn với các chuyên gia và các Hiệp hội ngành hàng cho thấy 10 ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường EU.

Căn cứ vào tiềm năng thị trường, khả năng cung ứng của Việt Nam và nội dung của Hiệp định EVFTA, một số mặt hàng được nhìn nhận có cơ hội lớn theo Hiệp định bao gồm Nhóm Nông sản thực phẩm (Thủy sản, Trái cây tươi, Cà phê, hạt Điều, hồ Tiêu, Cao su); Nhóm Công nghiệp chế biến (Dệt may, Da giày, đồ Gỗ); nhóm hàng Điện tử.

Về tổng thể, số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Tổ chức thương mại thế giới (ITC) ước tính thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35%-60% chưa khai thác và nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35%-90%, tùy theo sản phẩm cụ thể.

Theo tham vấn các chuyên gia các ngành hàng và hiệp hội, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-can-ho-tro-von-va-thong-tin-de-toi-uu-hoa-co-hoi-tu-evfta-330398.html