Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó các tranh chấp thương mại

Việt Nam đang hội nhập vào thế giới và những khó khăn từ tranh chấp thương mại là không tránh khỏi. Thời gian tới, Chính phủ, các bộ ngành, sẽ bám sát các Nghị quyết, để định hướng, hỗ trợ địa phương.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các biện pháp tranh chấp và phòng vệ hiện nay không đơn giản như trước mà được "núp bóng" dưới nhiều hình thức, lý do khác nhau như để bảo đảm an ninh quốc gia hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chủ yếu là chống bán phá giá) đã ảnh hưởng rất lớn tới kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng Việt Nam. Điển hình như năm 2018, Hoa Kỳ áp thuế đinh thép đã khiến giá trị xuất khẩu mặt hàng này từ 36 triệu USD giảm xuống còn 800 nghìn USD; Brazil áp thuế với lốp xe đạp cũng đã khiến kim ngạch xuất khẩu giảm từ 5,7 triệu USD xuống còn 578 nghìn USD...

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại đang ngày càng phức tạp, vừa qua, Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) có chất vấn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp, chương trình, kế hoạch gì để định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp chủ động ứng phó, vượt qua những thách thức khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại Thế giới.

Chủ động tìm hiểu cac quy định pháp luật của nước nhập khẩu sẽ giúp ngành thép giảm rủi ro

Chủ động tìm hiểu cac quy định pháp luật của nước nhập khẩu sẽ giúp ngành thép giảm rủi ro

Trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Thanh Tùng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, một trong những đặc điểm chính của hợp tác kinh tế – thương mại quốc tế trong thời gian gần đây là việc xuất hiện của những mối liên kết hợp tác kinh tế mới và sự phát triển mạnh của các xung đột thương mại ở cấp độ song phương, khu vực và thậm chí là cả khuôn khổ đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong bối cảnh phức tạp và khó lường đó, Việt Nam là một trong số ít nước vẫn duy trì quyết tâm mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới trên cơ sở các nguyên tắc phù hợp với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, mà kết quả rõ nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua và có hiệu lực vào tháng 1 năm nay.

Đến giữa năm, lại có thêm một thông tin tích cực nữa về việc thực hiện các chủ trương của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Ban chấp hành Trung ương đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Nghị quyết số 06) là việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Như vậy, không chỉ có một mà đến hai hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” được Việt Nam tham gia, góp phần thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại rất nhiều kỳ vọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt đối với Hiệp định EVFTA khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

Nhằm hiện thực hóa các kỳ vọng và giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, vượt qua các thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, trong thời gian vừa qua, các cơ quan cấp trung ương, địa phương đã bám sát Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Chính phủ để tổ chức nhiều các hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm phổ biến thông tin về hiệp định và thị trường của các nước thành viên trong các Hiệp định. Các hội thảo, hội nghị được tổ chức theo ngành, theo khu vực như Hội nghị về Hiệp định CPTPP cho các tỉnh Đông Bắc Bộ tập trung vào nội dung thu hút đầu tư từ các nước thành viên CPTPP, Hội thảo về Hiệp định CPTPP cho các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại Lâm Đồng, trong đó tập trung vào đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, hoặc hội thảo với nội dung chuyên sâu về thị trường từng nước thành viên CPTPP.

Bộ Công Thương – với vai trò là đầu mối thông tin về các hiệp định thương mại tự do nói chung – đã tích cực cung cấp thông tin và giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực thi các hiệp định thông qua kênh trực tiếp như các buổi tập huấn hay qua phương tiện điện tử, ngoài ra, công tác dự báo thị trường cũng được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đã xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp…

Trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương sẽ tiếp tục tích cực và chủ động bám sát Nghị quyết số 06 nói chung và Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định CPTPP nói riêng, sắp tới là Hiệp định EVFTA, để định hướng, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp chủ động ứng phó vượt qua các thách thức.

Về phía các doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các biện pháp tranh chấp, phòng vệ thương mại là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - một trong những ngành hàng chịu nhiều thiệt hại nhất do các biện pháp tranh chấp và phòng vệ thương mại thời gain qua cho hay, bên cạnh việc trang bị các kiến thức, hiểu biết về thị trường, nếu doanh nghiệp Việt biết chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như các biện pháp, công cụ để kiện và chống kiện phòng vệ thì sẽ tránh được những rủi ro.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thương mại, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, song song với việc đẩy mạnh thông tin thị trường cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại, đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về phòng vệ thương mại; tăng cường thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, triển khai chương trình nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho ngành công nghiệp trong nước; nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại của các cơ quan quản lý Nhà nước và tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc tranh chấp, phòng vệ thương mại của nước ngoài.

THU HOÀI

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/giup-doanh-nghiep-chu-dong-ung-pho-cac-tranh-chap-thuong-mai-158406.html