Doanh nghiệp cam kết không sử dụng trái phép động, thực vật hoang dã

Đại diện của hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong chống lại các hành vi buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã.

Ảnh hội thảo.

Tại Hội thảo “Nâng cao lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập thông qua chiến lược trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”, do tổ chức Traffic tại Việt Nam phối hợp với tổ chức truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia thực hiện dưới sự tài trợ của tổ chức WWF - Đức, bà Katharina Trump, Quản lý Chương trình chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, tổ chức WWF - Đức cho biết, buôn bán động, thực vật hoang dã là hoạt động phi pháp diễn ra tại nhiều quốc gia. Không chỉ gây những tác động tiêu cực tới sự đa dạng sinh học, buôn bán động, thực vật hoang dã còn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế và thương mại khác và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết vấn nạn này.

“Sự tham gia và dẫn dắt của cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Chúng tôi đánh giá cao sự cam kết nói không với buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã của các doanh nghiệp tham gia Hội thảo hôm nay”, bà Sarah Ferguson, Trưởng đại diện tổ chức Traffic tại Việt Nam chia sẻ.

Theo thống kê, hàng năm hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã trên toàn cầu mang lại lợi nhuận tới 23 tỷ USD. Bà Sarah Ferguson cho biết, rõ ràng không một nền kinh tế, doanh nghiệp hay cá nhân nào được hưởng lợi từ nguồn thu bất hợp pháp này ngoài nhóm tội phạm buôn bán trái phép. Buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã đang làm suy giảm số lượng các giống loài hoang dã và gây những tác động tiêu cực cho ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế khác.

Việt Nam được xác định là điểm trung chuyển các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã như sừng tê giác, vẩy tê tê và cao hổ cốt đến Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là một trong các quốc gia tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã này.

Các doanh nghiệp vận tải và logistics thường là tâm điểm mà tội phạm hay lợi dụng để vận chuyển các mặt hàng cấm trong nước và qua biên giới.

“Nếu mỗi doanh nghiệp đấu tranh chống lại các hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã có nghĩa là họ đã nói không với tham nhũng, với những hoạt động không bền vững, đe dọa sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các vấn đề về môi trường và đa dạng sinh học là cách gián tiếp để doanh nghiệp xây dựng uy tín của mình”, đại diện tổ chức Traffic nhấn mạnh.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-giao/doanh-nghiep-cam-ket-khong-su-dung-trai-phep-dong-thuc-vat-hoang-da/340249.vgp