Doanh nghiệp bỏ trốn do thiếu cơ chế giám sát

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại hậu quả rất nặng nề không chỉ cho người lao động mà còn cho cả xã hội. Vụ việc mới nhất vừa xảy ra là tại Công ty TNHH Kai Yang Việt Nam, địa chỉ tại 196 đường Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc).

Đáng quan ngại là tình trạng này lại xảy ra ngày càng nhiều những năm gần đây và các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc xử lý triệt để vấn đề này. Giải pháp nào để ngăn chặn chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

PV trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

PV: Tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn đã diễn ra nhiều năm nay. Bà có thể cho biết rõ hơn tình trạng này hiện nay?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Tình hình các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, phá sản, rút giấy phép kinh doanh ngày càng tăng. Số nợ BHXH hiện nay theo BHXH Việt Nam công bố đến hết tháng 7- 2019 khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng. Một con số rất lớn.

Vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ra Nghị quyết 05 về xử lý hình sự từ điều 214 đến 216 của Bộ luật tố tụng hình sự với các tội danh như: chiếm đoạt, nợ, gian lận BHXH. Khi nghị quyết vừa được ban hành thì một loạt doanh nghiệp đang nợ, chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động đã ngay lập tức nộp cho BHXH vì họ biết thế nào họ cũng bị xử lý.

PV: Trước khi các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chủ bỏ trốn thường có các dấu hiệu như: nợ lương, nợ BHXH. Rõ ràng các dấu hiệu này các cơ quan quản lý nhà nước đủ khả năng để nắm bắt được. Theo bà tại sao các trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn vẫn xảy ra?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Đúng là các cơ quan quản lý nhà nước đều nắm được. Với những trường hợp nợ lương trên 6 tháng là vấn đề trầm trọng. Có thể yêu cầu thủ tục tuyên bố phá sản. Nhưng vấn đề nợ lương đến 6 tháng rất ít xảy ra. Chỉ có các doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản thì mới có hiện tượng này. Đối với nợ BHXH thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng biết và xử lý trước tiên là xử phạt hành chính. Sau đó đăng thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN.

Sau khi đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn cứ nợ BHXH, thì công đoàn khởi kiện. Nhưng khởi kiện tập thể không thực hiện được nên phải khởi kiện theo tranh chấp cá nhân. Ví dụ đang nợ tiền BHXH của 300 công nhân thì phải có 300 vụ khởi kiện. Nhưng khởi kiện rất khó khăn. Thực ra nhiều trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH, các cơ quan thanh tra cũng gần như bất lực.

PV: Rõ ràng theo bà là các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được các dấu hiệu đó. Thế nhưng vẫn để xảy ra, thậm chí hiện tượng này đang khá phức tạp hiện nay. Phải chăng chúng ta không có các biện pháp phòng ngừa hay còn những nguyên nhân khác?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Nhiều trường hợp đã bị các cơ quan chức năng phạt hành chính. Tuy nhiên vấn đề là sau đó, phía các cơ quan chức năng có giám sát xem việc thực hiện của các doanh nghiệp đến đâu không. Nếu chúng ta không có các biện pháp xử lý gì thì chủ doanh nghiệp bỏ trốn hiển nhiên sẽ diễn ra. Với một khối nợ lớn như thế mà chủ có dấu hiệu bỏ trốn thì thông thường dùng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Có một số trường hợp ngăn chặn được như là cấm xuất cảnh, phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng. Liên bộ ban ngành dưới sự chủ trì của UBND các địa phương xem xét hiện trạng của doanh nghiệp, các vi phạm đến đâu để các cơ quan tiến hành xử lý nhưng có thể nói các biện pháp ấy thông thường là chậm. Chính vì chậm nên nhiều chủ doanh nghiệp vẫn xuất cảnh được, vẫn đi được.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong luật Đầu tư. Quy định là doanh nghiệp phải đăng ký vốn điều lệ, vốn pháp định. Quy định như thế nhưng không có cơ quan nào kiểm tra xem vốn đó có còn không, có thực không. Các doanh nghiệp đó lại thế chấp tài sản cho ngân hàng. Ví dụ tài sản có 100 tỷ nhưng không hiểu sao lại có thể vay được 300 tỷ, gấp 3- 4 lần tài sản doanh nghiệp đó có. Đây là điểm hở của luật.

Thêm một kẽ hở nữa là không có một nguồn quỹ của doanh nghiệp để trong ngân hàng để trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản thì có tài sản đảm bảo để chi trả quyền lợi cho người lao động. Chính vì những sơ hở này trong các quy định của luật mới dẫn đến những trường hợp mà chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn, ảnh hưởng đến hàng nghìn lao động.

Còn một vấn đề nữa cũng cần được nhắc đến là theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, đơn vị nào cho doanh nghiệp vay thì được khấu trừ tài sản của doanh nghiệp trước. Thành ra khi thanh lý tài sản thì người lao động không còn gì nữa.

PV: Theo như phân tích của bà thì trong câu chuyện này người lao động phải gánh chịu hậu quả. Vấn đề là làm thế nào để quyền lợi người lao động không bị thua thiệt?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Có những địa phương, UBND tỉnh đã tạm ứng như ở Đồng Nai hay TP Hồ Chí Minh đã từng làm. Khoản tạm ứng này cũng chỉ là tạm thời 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng hay một tháng lương nhưng phải trong trường hợp xác định được số tài sản còn lại của doanh nghiệp có thể thanh toán được.

UBND tỉnh chỉ tạm ứng trước, sau đó thanh lý tài sản còn lại đó để thu hồi về sau. Công đoàn thì dùng một số quỹ như: quỹ từ thiện, quỹ tấm lòng vàng. BHXH thì lấy lãi suất từ nguồn tiền chậm trả nợ của doanh nghiệp để hỗ trợ một chút cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là người chịu thiệt vẫn là người lao động.

Còn một vấn đề nữa là người lao động không được chốt sổ BHXH. Muốn được chốt sổ lại phải quay lại thời điểm còn đóng. Giai đoạn không đóng thì không được chốt nhưng thủ tục cũng phức tạp. Do đó, đối với những trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH rồi chủ bỏ trốn để lại hậu quả rất nặng nề cho người lao động.

PV: Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng đầu tư nước ngoài đến 2030: Hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động quản lý, giám sát đầu tư nước ngoài, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp quản lý, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài. Theo bà, việc quản lý giám sát cần có những biện pháp vụ thể nào cho hiệu quả?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Hiện UBND các địa phương gần như không quản lý, giám sát được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo tôi, phải sửa ngay luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp. Phải có cơ chế giám sát vốn điều lệ và vốn pháp định. Đối với nhiều nước, hai nguồn vốn này là sự đảm bảo cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Trong khi đó chúng ta lại không có cơ chế kiểm tra giám sát.

Mình không nắm được doanh nghiệp đó có sức sống hay không. Doanh nghiệp nước ngoài cứ vào đầu tư, kinh doanh. Đến khi thua lỗ hay vì lý do gì đấy lại bỏ đi mà chúng ta không có sự giám sát chặt chẽ mới dẫn đến tình trạng này.

PV: Trong các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn cũng có tổ chức công đoàn. Rõ ràng tổ chức công đoàn cũng phải có vai trò giám sát doanh nghiệp. Như thế với các doanh nghiệp có dấu hiệu như nợ lương, nợ BHXH thì công đoàn cũng phải nắm được?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Tất nhiên là như thế, tuy vậy việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Ví dụ như việc phủ sóng 100% các doanh nghiệp có trên 25 lao động phải hình thành được công đoàn cơ sở nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thứ hai phải tăng cường vai trò của công đoàn cơ sở nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên vì có rất nhiều vấn đề mà công đoàn cơ sở người ta không thể thực hiện được.

Ví dụ như khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật mà cụ thể là nợ BHXH của người lao động. Việc khởi kiện này theo luật hiện nay đang trao cho công đoàn cơ sở, nhưng không công đoàn cơ sở nào làm được việc này. Thế nên những việc này phải giao cho một bộ phận chuyên trách có chuyên ngành về luật thì mới có thể làm được. Hoạt động công đoàn tuyến cơ sở hiện nay cũng còn nhiều vấn đề vì họ chưa thể làm được những nhiệm vụ khó.

PV: Theo bà, để có thể ngăn chặn và giải quyết được tình trạng trên thì giải pháp căn cơ là gì?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Muốn giải quyết và ngăn chặn được các trường hợp này phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Biện pháp đầu tiên là phải phát hiện ra được những hành vi nợ, chiếm đoạt, gian lận cả trong ký kết hợp đồng lao động và các quy định pháp luật như về tiền lương, các loại bảo hiểm. Khi phát hiện ra thì các cơ quan quản lý nhà nước phải cương quyết buộc các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật.

Người phát hiện và giám sát là công đoàn, còn cơ quan quản lý nhà nước là người thực hiện. Công đoàn cơ sở không phát hiện ra thì công đoàn cấp trên phải làm việc này. Sau đó có công văn yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước vào xử phạt, đăng lên các phương tiện thông tin đại chúng, trường hợp nguy cấp phải báo tin để khởi tố về mặt hình sự theo Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải xem khi xử phạt hành chính rồi, doanh nghiệp có thực hiện quyết định xử phạt không. Nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì kể cả BHXH hay bất cứ một cơ quan quản lý nhà nước nào cũng có quyền yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc. Phải cương quyết như thế mới xử lý được.

Còn một vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là phải sửa luật Đầu tư, sửa các quy định về tài chính ngân hàng trong luật Doanh nghiệp để đảm bảo việc doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh. Chứ hiện nay chúng ta cứ thu hút đầu tư theo kiểu “trải thảm đỏ”, rồi một số địa phương cứ vơ bèo vạt tép mới dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng vào đầu tư để thế chấp tài sản rồi ôm một đống tiền bỏ trốn.

Nhiều doanh nghiệp có hiện tượng vào đầu tư thuê đất 50 năm, 99 năm, sau đó dựng nhà xưởng. Nhưng thực tế các doanh nghiệp này sản xuất rất lèo tèo. Rồi doanh nghiệp lấy ngay chính quyền được thuê đất thế chấp ngân hàng để lấy tiền ra, sau đó là bỏ ra nước ngoài. Cuối cùng người chịu thiệt là nhà nước và người lao động.

PV: Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Phía công đoàn cũng sẽ có những động thái như thế nào để ngăn chặn hiện tượng này?

Bà Trần Thị Thanh Hà: Vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở phải là người phát hiện, sau đó công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ. Tinh thần của Tổng LĐLĐVN vẫn sẽ có những bộ phận chuyên trách về luật để làm việc này. Ví dụ như chuẩn bị khởi kiện các tranh chấp lao động. Công đoàn cơ sở không thể làm được vì họ không có chuyên môn, không thực hiện được vai trò đối đầu với ông chủ. Công đoàn cấp trên có vị thế, độc lập hơn đối với doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho người lao động dưới doanh nghiệp và hỗ trợ cả công đoàn cơ sở để làm những việc đó.

Tổng LĐLĐVN đang xây dựng đội ngũ luật sư, các luật sư này sẽ hoạt động trong các trung tâm tư vấn cho người lao động. Các luật sư này sẽ đảm nhận các loại việc như thế để giải quyết. Đội ngũ luật sư này đang được Tổng LĐLĐVN đào tạo.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN sẽ hướng dẫn cho các cấp công đoàn khi doanh nghiệp có các dấu hiệu xấu thì phải cương quyết đề nghị cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Nếu không yêu cầu cơ quan điều tra vào để xử lý hình sự. Dứt khoát phải thực hiện như thế bởi Tổng LĐLĐVN rất chờ đợi Nghị quyết 05 ra đời và nay đã có.

PV: Xin cảm ơn bà!

Phan Hoạt (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-bo-tron-do-thieu-co-che-giam-sat-558814/