Doanh nghiệp Bình Phước than BOT: Kiểm tra, điều chỉnh mức phí

Nhiều doanh nghiệp ở Bình Phước khốn khổ vì tình trạng BOT dày đặc khiến kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Ngày 23/4/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND tỉnh Phước truyền tải ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu kiểm tra tình trạng trạm phí quá dày khiến cho chi phí thành gánh nặng, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là nông sản.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Phước điều chỉnh mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2018, kết quả kiểm tra, xử lý báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2019.

Trước đó, báo Đất Việt có loạt bài phản ánh về tình trạng trạm BOT quá dày đặc ở Bình Phước khiến cho các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Ông Võ Quang Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Bình Phước chia sẻ,tỉnh lộ 741 là tuyến đường huyết mạch của Bình Phước, là cửa ngõ lưu thông hàng hòa từ Bình Phước đi TP. HCM và ngược lại nên hàng ngày, một lưu lượng xe rất lớn qua đây.

Doanh nghiệp Bình Phước kêu khổ vì trạm BOT dày đặc trên tỉnh lộ 741.

Doanh nghiệp Bình Phước kêu khổ vì trạm BOT dày đặc trên tỉnh lộ 741.

"Thế nhưng, đoạn đường này dài 120km thì có tới 6 trạm BOT. Tính ra một sản phẩm tại Bình Phước làm ra thì doanh nghiệp phải chịu 24 lần phí BOT (12 lần cho lấy nguyên liệu và 12 lần cho vận chuyển hàng hóa ra khỏi Bình Phước). Đây là điều phi lý, không ở nơi đâu trên thế giới này tồn tại điều bất cập như thế. Đây là có thể là đoạn đường có BOT dày đặc nhất thế giới" - ông Thuận nói.

Như phép tính của ông Thuận, với một chiếc ô tô lưu thông trên tỉnh lộ 741 từ Bình Phước đi TP. HCM thì tiền dầu ngang với tiền nộp qua các trạm BOT, trong khi đó tiền dầu trong ngành vận tải luôn luôn chiếm chi phí từ 35 - 40%.

"Giá thành một sản phẩm từ Bình Phước đi cảng Cát Lái - TP. HCM hiện đang cao gấp 4 - 5 lần từ cảng Cái Lái đi Thượng Hải - Trung Quốc. Chính vì thế, mặt hàng nông sản ở Bình Phước không thể xuất ra nước ngoài được, các doanh nghiệp sợ kinh doanh nông sản sẽ nuôi hết chi phí vận tải mà không có lãi. Nhưng Bình Phước là một tỉnh nghèo, chủ yếu là nông sản... điều này đã kéo theo hệ lụy là đời sống của người dân tỉnh nhà rất khó khăn" - ông Thuận nói.

Nói về tình trạng BOT dày đặc ở Bình Phước, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc tỏ ra hết sức ngạc nhiên rồi chua chát khẳng định, nếu cứ khoảng 20km đường lại có một trạm thu phí như vậy thì quả thực đã đạt kỷ lục Guiness của Việt Nam và thế giới về BOT.

Ông cho biết, về lịch sử, tỉnh lộ 741 là quốc lộ, không phải đường mới để địa phương và nhà đầu tư phải khai phá, mở đường. Địa phương cũng không thể vì lý do lịch sử để lại, do từng giai đoạn đầu tư mà đổ gánh nặng lên đầu người dân và doanh nghiệp.

"Chi phí logistics quá đắt đỏ sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giết chết sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi Chính phủ và nhiều địa phương khác đang làm hết sức để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn thì ở đây dường như lại đi ngược lại", GS.TS Đặng Đình Đào nói.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-binh-phuoc-than-bot-kiem-tra-dieu-chinh-muc-phi-3379014/