Doanh nghiệp bất động sản nhảy sang bán mỹ phẩm

Trong cao điểm dịch Covid-19, các công ty du lịch linh hoạt bán nông sản thì ngay khi dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp BĐS lại lấn sân sang bán lẻ mỹ phẩm, thực phẩm.

Giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thạch Thảo phải tạm dừng hoạt động quán cà phê đang kinh doanh. Đồng thời, kênh môi giới bất động sản trực tuyến của bà cũng có thời điểm chững lại theo thị trường.

Tận dụng thời điểm kinh doanh ngưng trệ, bà về quê ở Kon Tum để nghỉ ngơi và thăm gia đình.

“Tôi không nghĩ chuyến đi đó lại mở ra cơ hội cho tôi ở một lĩnh vực kinh doanh khác. Kon Tum nổi tiếng với sâm Ngọc Linh, tôi cho rằng nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ tăng cao nhờ dịch, nên tiến hành nghiên cứu thị trường”, bà kể với Zing.

Mới đây, bà đầu tư 2 tỷ đồng để mở một đại lý phân phối sản phẩm này tại TP.HCM.

Chớp thời cơ sau Covid-19

Bà Thạch Thảo đánh giá, Covid-19 giúp một bộ phận người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe hơn.

Dẫn chứng từ kết quả khảo sát của Nielsen cho thấy sức khỏe là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, đặc biệt trong và sau đại dịch, bà cho rằng thời điểm hiện nay là cơ hội lớn để đầu tư cho lĩnh vực này.

“Bước sang ngành kinh doanh mới nhưng tôi nghĩ có thể tận dụng mạng lưới khách hàng từ mảng bất động sản để tiếp thị cho những sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp. Ngoài ra, tôi chọn mở cửa lúc này để đón mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán, dự kiến nhu cầu biếu tặng tăng cao.

Tôi đặt mục tiêu đạt 500 triệu đồng doanh số trong tháng đầu tiên mở bán và 1 tỷ đồng ở các tháng tiếp theo”, bà Thạch Thảo chia sẻ.

Trao đổi với Zing, bà Võ Thị Ngọc Kiều - đại diện Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết hiện có 15 đại lý phân phối trên cả nước, trong đó 3 đại lý mới mở sau đợt dịch vừa qua. Dựa trên số lượng đối tác đang tiếp cận doanh nghiệp, bà dự kiến có thể mở thêm 20 đại lý từ nay đến hết năm.

“Điều này chứng tỏ ngành thực phẩm chăm sóc sức khỏe đang phát triển tốt sau dịch”, bà nói.

Tương tự, ngành mỹ phẩm cũng đang được kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới, khi chỉ trong 10 ngày đã có 2 doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản và thực phẩm thông báo lấn sân sang mảng này.

 Các doanh nghiệp cho rằng người tiêu dùng vẫn gia tăng mua sắm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sau đại dịch. Ảnh: MK.

Các doanh nghiệp cho rằng người tiêu dùng vẫn gia tăng mua sắm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sau đại dịch. Ảnh: MK.

Ngày 10/10, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, doanh nghiệp gắn liền với các dự án chung cư giá rẻ, tổ chức khai trương siêu thị mỹ phẩm AB Beauty World đầu tiên tại TP.HCM.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Lê Thành, đồng thời là Chủ tịch HĐTV AB Beauty World, cho rằng hậu Covid-19 là thời điểm thích hợp để chớp thời cơ lấy nhiều mặt bằng giá thấp, dễ dàng tuyển dụng nhân sự và đàm phán với nhà cung cấp.

Đồng thời, một bộ phận người tiêu dùng có tiền cần mua sắm nhưng không thể ra nước ngoài, đặc biệt đối với các sản phẩm đang có nhu cầu tăng trưởng là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

“Việt Nam là thị trường tiêu thụ mỹ phẩm tiềm năng nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn thiếu các chuỗi siêu thị mỹ phẩm quy mô lớn, đa dạng sản phẩm dành cho mọi đối tượng”, ông khẳng định.

Chia sẻ với Zing, ông Nghĩa cho biết đây là chiến lược từ lâu của Lê Thành để đa dạng hóa ngành nghề, tuy nhiên Covid-19 đã tạo điều kiện về nhu cầu thị trường và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện dự án.

Do đó, chỉ sau 1 tháng, doanh nghiệp này đã mở 6 siêu thị với diện tích tối thiểu 500 m2, vốn đầu tư lên đến 1 triệu USD. Mục tiêu của chuỗi này là 8-10 siêu thị đến cuối năm nay và 50 địa điểm đến hết 2025.

Tại sự kiện khai trương cửa hàng dược, mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi đầu tiên tại Việt Nam, bà Lê Vân Mây, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Lotus Food Group cũng cho biết, ngoài chế biến thực phẩm, doanh nghiệp đã kinh doanh bán lẻ nhiều năm qua.

Nay liên doanh với chuỗi bán lẻ dược, mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản, bà kỳ vọng đặt chân vào thị trường mỹ phẩm và thực phẩm chức năng đang tăng trưởng 56%/năm của Việt Nam.

Đa dạng để tồn tại

Trong khi đó, đối với một số doanh nghiệp, việc mở rộng ngành nghề là cách để sống sót qua khủng hoảng. Ông Trần Sỹ Sơn, nhà sáng lập và CEO PYS Travel cho biết đã bán từng quả mận, con cá hồi để vực lại doanh nghiệp trước cú sốc Covid-19.

Thay vì đưa khách đi du lịch như thường lệ, ông hợp tác với người dân địa phương ở những vùng có tour của công ty để lấy đặc sản đem về bán. Các loại nông sản, thủy hải sản miền Tây Bắc được thu hoạch buổi sáng, đến chiều đã có mặt tại nhà người tiêu dùng ở Hà Nội, TP.HCM.

“Doanh thu mang về chỉ hỗ trợ được 40% chi phí lương nhân viên, nhưng vẫn là giải pháp tốt”, ông nói và gọi đây là dự án du lịch ẩm thực, có thể phát triển lâu dài.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng chủ động tổ chức các chương trình dạy tiếng Anh online cho trẻ em với nội dung chia sẻ về kiến thức đi du lịch nước ngoài, triển khai trò chơi “bước nhảy thế giới” dựa trên mô hình trò chơi cá ngựa...

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn thách thức vừa qua đã đưa ra nhiều giải pháp tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm ra cơ hội để nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, thị trường và sáng tạo ra sản phẩm mới. Đó là bản chất năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới của doanh nhân.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-nhay-sang-ban-my-pham-post1151514.html