Doanh nghiệp bất động sản đã qua cơn bĩ cực

Đã hơn 2 năm kể từ khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phải rút gọn quy mô, cơ cấu lại sản phẩm. Ở thời điểm hiện tại, dù vẫn chưa hết khó nhưng có thể nói doanh nghiệp bất động sản đã tạm qua cơn bĩ cực.

Theo báo cáo tài chính của một số công ty bất động sản, lợi nhuận của họ đã tăng trở lại đặc biệt có những công ty lợi nhuận tăng hàng chục lần so với cùng kỳ.

Một trong những công ty có lợi nhuận quý 3 tăng lớn nhất là Địa ốc Hoàng Quân (HQC) với lợi nhuận sau thuế đạt 15,2 tỉ đồng so với mức 1 tỉ đồng lãi ròng của quý 3/2012. Lũy kế 9 tháng, HQC có lợi nhuận sau thuế gần 28 tỉ đồng tăng 103% so với 9 tháng đầu năm 2012. Cuối tháng 10 vừa qua, HQC là 1 trong 3 doanh nghiệp được UBND TP.HCM cho phép xây dựng nhà ở xã hội khi chuyển đổi dự án HQC plaza.

Một công ty khác là Công ty Cổ phần Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) lãi 30 tỉ đồng, tăng 17,65% so với quý 3/2012. Lũy kế 9 tháng, DXG lãi ròng 51,6 tỷ đồng, tăng 53,12% so với 9 tháng đầu năm 2012. Sau 9 tháng, DXG hoàn thành 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013. Ngày 11.11, DXG còn khiến cổ đông vui hơn khi công bố thông tin về việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Tân Vũ Minh, Bình Dương với giá 70 tỉ đồng, gấp 2,5 lần tổng chi phí đầu tư dự án là 28 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 vượt trội so với cùng kỳ 2012. Quý 3 SCR đạt lợi nhuận sau thuế 40,6 tỉ đồng trong khi quý 3/2012 chỉ vỏn vẹn hơn 800 triệu đồng. Sau 9 tháng SCR có lợi nhuận 60 tỉ đồng bằng của mức 2012, tuy nhiên hàng tồn kho chỉ còn 2.445 tỉ đồng, giảm 300 tỉ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của SCR đến cuối quý 3 hơn 2.700 tỉ đồng, giảm 450 tỉ đồng so với đầu năm.

Chi phí tài chính giảm mạnh khiến một “ông lớn” thị trường bất động sản Hà Nội là Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) lãi 11,96 tỉ đồng, tăng mạnh 61%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, NTL đạt 37,71 tỉ đồng, tăng 39% so với 9 tháng năm 2012.

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) thì việc không phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính và lỗ từ công ty liên doanh liên kết nên quý 3/2013 SAM lãi hơn 18 tỉ đồng, cùng kỳ năm 2012 SAM phải hứng lỗ 23,4 tỉ đồng.

Mặc dù hàng tồn kho đến 5.000 tỉ đồng là nỗi ám ảnh khá lớn đối với cổ đông của Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt (PDR). Tuy nhiên so với năm 2012 thì tình hình tài chính của công ty đã được cải thiện khi lãi 688 triệu đồng tăng nhẹ so với 596 triệu đồng cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, PDR lãi ròng 1,4 tỉ đồng, tăng 300 triệu đồng so với 9 tháng đầu năm 2013.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (CLG) cũng công bố mức lãi 824 triệu đồng trong quý 3, khả quan hơn mức lỗ 2,2 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần 258 tỉ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm 2012 và đạt 65% kế hoạch năm (394 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế 23 tỉ đồng, gấp 16,4 lần cùng kỳ và vượt 11% kế hoạch năm (20,7 tỷ đồng). Cuối quý 3, hàng tồn kho của CLG giảm mạnh từ 237 tỉ đồng xuống còn 57 tỉ đồng.

Trong quý 3/2013, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thuộc họ Sông Đà như Xây dựng và Thương Mại Sông Đà (SDU), Sông Đà 5.05 (S55), Sông Đà 5 (SD5) cũng trở thành điểm sáng trên thị trường khi có kết quả kinh doanh khá tốt. SDU có mức lãi trước thuế 6,6 tỉ vượt xa kế hoạch đặt ra 1 tỉ đồng, SD5 lãi lũy kế 9 tháng gần 30 tỉ đồng, S55 lũy kế 9 tháng đầu năm 2013 lợi nhuận sau thuế đạt 17,77 tỉ đồng tăng 70% so với cùng kỳ, hoàn thành vượt 5% kế hoạch lợi nhuận.

Tuy nhiên vẫn còn doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ trong quý 3 như Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng lỗ 1,7 tỉ đồng hoặc trường hợp cũng liên quan đến bất động sản như Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) đã cải thiện cả về doanh thu và lợi nhuận khi doanh thu tăng 63,9% so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên PVA vẫn lỗ ròng 1,43 tỉ đồng nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 4,17 tỉ đồng.

Hiện những công ty có doanh thu lớn trong bất động sản như Vinaconex, VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa có báo cáo tài chính quý 3. Trong thời gian qua, Vinaconex cùng với Hoàng Anh Gia Lai đã tiến hành cơ cấu lại các khoản đầu tư của mình, thoái vốn tại các dự án kém hiệu quả.

Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều có kết quả kinh doanh khá tốt so với năm 2012 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khi các chính sách vĩ mô đang bắt đầu có tác dụng đối với thị trường bất động sản.

Quang Bách

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/kinh-te/batdongsan/doanh-nghiep-bat-dong-san-da-qua-con-bi-cuc/