Doanh nghiệp bắt đầu chuyển khỏi Trung Quốc: Việt Nam lợi gì?

Ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ.

Theo Nikkei, cùng với Bangladesh, Việt Nam là một trong những địa điểm được nhiều công ty may mặc Mỹ lựa chọn để chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trung Quốc là nước xuất khẩu các sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới. Năm 2017, tổng giá trị hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đạt 158,4 tỷ USD, tương đương hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu.

Thế nhưng, tỷ lệ trên đã giảm đáng kể nếu so với con số 40% ở thời điểm đầu những năm 2000. Nguyên nhân là các công ty dệt may trên thế giới đang dần chuyển sang những nước láng giềng có chi phí lao động thấp hơn.

Bangladesh là một trong những lựa chọn thay thế. Bangladesh đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may với 6,4% thị phần. Việt Nam đứng thứ 3 với 5,8% thị phần. Thù lao người lao động tại Việt Nam chưa bằng một nửa so với mức lương người lao động tại nhiều thành phố như Thượng Hải hay Quảng Châu. Mức lương người lao động tại Bangladesh còn thấp hơn.

Nhiều công ty may mặc Mỹ đang đa dạng hóa nhà cung cấp, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Đến cuối quý III/2018, xuất khẩu dệt may của Bangladesh sang Mỹ đã tăng 14%.

Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2018 ước tính đạt kỷ lục mới – 36 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may chiếm khoảng hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Xu thế này sẽ còn dâng cao hơn nữa khi mà các công ty Mỹ tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại lên cao.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Kydo Việt Nam (KCN Phố Nối A, Hưng Yên). Ảnh: Báo Tin tức

Chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa tăng thuế với hàng dệt may, nhưng kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra bởi Mỹ đã phát đi tín hiệu.

Đại diện một công ty vận tải tại Việt Nam nói: “Ngay cả những công ty trước đây từng ngại ngần nay cũng đang tính chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc”.

Trước đó, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng dự báo, không loại trừ khả năng các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phần nhiều là các doanh nghiệp Trung Quốc, sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi – vải – may mặc tại Việt Nam, để tránh ảnh hưởng từ đòn trừng phạt thương mại của Mỹ.

Trong trường hợp này, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam không được hưởng lợi nhiều, bởi hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ có thế mạnh và kinh nghiệm về khâu may. Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu, một phần lớn nhập từ Trung Quốc.

Xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác có chi phí rẻ hơn ngày càng trở nên rõ rệt kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra.

Không chỉ dệt may, trong lĩnh vực công nghệ cao, Samsung cũng vừa quyết định đóng cửa một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn ở thị trường tỷ dân này.

Theo báo cáo của Counterpoint Research, lượng iPhone của Apple bán ra chiếm 9% trong số 100 triệu máy của quý III/2018, trong khi Samsung chỉ có 1%.

Đây là lý do mà “gã khổng lồ công nghệ” Hàn Quốc quyết định đóng cửa một trong hai nhà máy sản xuất điện thoại tại Trung Quốc.

Nhà máy sắp đóng cửa đặt tại Thiên Tân, thành phố đông dân thứ 11 thế giới. Nhà máy hiện hoạt động với 2.600 nhân viên, tất cả sẽ nhận được bồi thường sau khi đóng cửa hoặc chuyển sang nhà máy khác của Samsung.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ được đánh giá là nơi có nguồn lao động rẻ hơn và điện thoại Samsung được sử dụng phổ biến.

Trong khi đó, các nhà cung cấp linh kiện cho Apple cũng đang lên kế hoạch di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc trong trường hợp thuế nhập khẩu tăng cao.

Hiện nay, hầu hết iPhone được lắp ráp bởi hai công ty Foxconn hoặc Pegatron tại các nhà máy đặt ở Thâm Quyến và Thượng Hải, Trung Quốc.

Ngày 4/12, trang 9to5mac đã đưa tin Foxconn, đối tác gia công các sản phẩm iPhone lớn nhất của Apple đang xem xét xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để hạn chế sự ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Reuters cũng cho biết Tập đoàn Foxconn và UBND TP Hà Nội đang thảo luận về việc xây dựng một cơ sở sản xuất iPhone tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này chưa rõ ràng.

Việc xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone tại Việt Nam có thể giúp Foxconn tránh được thuế nhập khẩu này và giữ chân Apple không quay sang các nhà sản xuất khác để giảm chi phí.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ rõ, nếu có dịch chuyển nhà máy sản xuất iPhone sang Việt Nam thì cũng là dịch chuyển khâu lắp ráp, nghĩa là phía Việt Nam vẫn chỉ làm gia công, giải quyết được chút công ăn việc làm cho người lao động.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/doanh-nghiep-bat-dau-chuyen-khoi-trung-quoc-viet-nam-loi-gi-3371147/