Doanh nghiệp bắt đầu 'bỏ thấp bắt cao'

Theo nghiên cứu của hãng Nielsen Việt Nam, việc chuyển hướng đầu tư vào các dòng sản phẩm cao cấp của các DN cho thấy xu hướng tiêu dùng tại thị trường trong nước đã có sự thay đổi khá rõ ràng.

Đầu tháng 7, Công ty cổ phần Lumi Việt Nam cho ra mắt sản phẩm loa thông minh điều khiển các thiết bị điện trong ngôi nhà bằng giọng nói tiếng Việt ba miền đầu tiên tại Việt Nam. Đại diện công ty này cho biết, sản phẩm mới kể trên là sự kết tinh của chiến lược đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu phát triển mà công ty đã thực hiện trong nhiều năm qua, nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng thông minh ở trong nước và các thị trường xuất khẩu.

Ảnh minh họa

Không chỉ có Lumi Việt Nam, hiện nay việc tập trung đầu tư vào các dòng sản phẩm cao cấp đang trở thành một trong những xu hướng đầu tư phổ biến của các DN sản xuất hàng tiêu dùng tại thị trường trong nước.

Chẳng hạn, tại Bình Dương, Công ty gốm sứ Minh Long 1, mới đây đã chào bán ra thị trường mặt hàng nồi sứ dưỡng sinh cao cấp được sản xuất từ chất liệu đất hiếm. Theo giới thiệu của DN, bộ nồi này được tăng cường bức xạ hồng ngoại nên có thể loại trừ được các nguy cơ tích tụ độc tố gây ung thư và giữ được nhiều dưỡng chất cho thực phẩm.

Trong khi đó, ở ngành hàng may mặc, các DN như công ty cổ phần Phong Phú, và công ty cổ phần T.N.G cũng đã lần lượt trình làng các dòng sản phẩm chất lượng cao như thương hiệu khăn Mollis Organic - loại khăn được sản xuất hoàn toàn từ nguyên liệu hữu cơ có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên và thương hiệu Sơmi Nano Bonding - một loại áo sơ mi dùng công nghệ ép seam liên kết nhiệt có tác dụng đào thải được toàn bộ lượng bức xạ hồng ngoại ra khỏi cơ thể.

Theo nghiên cứu của hãng Nielsen Việt Nam, việc chuyển hướng đầu tư vào các dòng sản phẩm cao cấp của các DN cho thấy xu hướng tiêu dùng tại thị trường trong nước đã có sự thay đổi khá rõ ràng.

Khảo sát ở nhiều thành phần người tiêu dùng tại Việt Nam, hãng Nielsen thông tin, hiện nay 82% người tiêu dùng tại Việt Nam cho rằng họ đang có tình trạng tài chính tốt, trong số này có 51% người tiêu dùng cho biết có thể chấp nhận bỏ thêm tiền để mua thứ mà họ muốn. Điều này đồng nghĩa rằng các sản phẩm có chất lượng cao hơn mức tiêu chuẩn thông thường, được làm từ các nguyên liệu hữu cơ, cung cấp các chức năng cao cấp và thân thiện với môi trường hơn đang thắng thế về sức mua so với các sản phẩm cấp thấp.

Việc thắng thế trong cạnh tranh thị phần tiêu dùng, theo Nielsen Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư cho mảng nghiên cứu phát triển (R&D) của các DN Việt Nam trong các năm tới. Bởi tính đến thời điểm hiện tại các DN Việt Nam, với tỷ trọng đầu tư cho R&D thấp nhất khu vực Đông Nam Á, đã “không còn đường lùi” trong cuộc đua giành chiếm thị phần nếu vẫn tập trung vào các dòng sản phẩm truyền thống.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, hiện tại các DN Việt Nam trung bình mới chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D. Tỷ lệ này thấp hơn mức 1,9% của các DN Campuchia và cách xa mức 14,5% của các DN Lào. Việc bị xếp ở chót bảng trong chỉ số đổi mới sáng tạo tại khu vực Đông Á và ASEAN-5, theo các chuyên gia kinh tế sẽ khiến các DN phải nhường dần thị phần tiêu thụ nội địa cho các mặt hàng tương tựcủa các DN nước ngoài trong khu vực.

Một cách tích cực, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mới đây đã ghi nhận chỉ số chi cho R&D của các DN Việt Nam hiện nay đã tăng được 4 bậc so với giai đoạn cuối năm 2016 (tăng từ mức 52/126 lên mức 48/126). Tuy nhiên, mức tăng này không tương xứng với tốc độ phát triển của các dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Vì vậy trong bối cảnh các luồng vốn vào Việt Nam thông qua mua bán – sáp nhập có sự tăng trưởng mạnh, WIPO khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần đưa ra một chiến lược rõ ràng và cụ thể trong hoạt động thúc đẩy DN nội địa đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Bởi nếu vẫn tiếp tục không có sự đột biến trong đổi mới cạnh tranh bằng các dòng sản phẩm cao cấp thì rất nhiều thương hiệu hàng Việt Nam truyền thống có thể bị thay thế khi các tập đoàn nước ngoài tham gia góp vốn và thâu tóm các DN lớn trong nước. Bên cạnh đó, các DN nội địa Việt Nam sẽ không thể tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu và gần như khó cạnh tranh được với các DN nước ngoài trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-bat-dau-bo-thap-bat-cao-77826.html