Doanh nghiệp bất chấp pháp luật, thi nhau khoét núi tìm vàng

Không ít chủ doanh nghiệp bất chấp quy định của pháp luật về môi trường, an toàn lao động thi nhau khoét núi để lấy vàng.

Mùa mưa đến cũng là lúc nhiều nguy hiểm rình rập tại các bãi vàng ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Không ít chủ doanh nghiệp bất chấp quy định của pháp luật về môi trường, an toàn lao động thi nhau khoét núi để lấy vàng.

Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức các đợt giám sát về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Phước Sơn. Qua đó phát hiện hàng loạt sai phạm mà các chủ mỏ qua mặt chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Khu vực lắng lọc vàng tại bãi Muối của Công ty TNHH Phước Minh.

Mỏ vàng có tên “bãi Muối” nằm ở thôn 1, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam -trở thành nỗi ám ảnh đối với các phu vàng.

Mỏ vàng này do Công ty TNHH Phước Minh (trụ sở đóng tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) quản lý.

Tại đây từng xảy ra tình trạng các “phu” vàng bị bóc lột sức lao động đến mức không chịu nổi lén lút băng rừng, lội suối để đào thoát.

Tháng 4 vừa qua, 11 phu vàng ở tỉnh Quảng Trị vào làm việc tại mỏ vàng của Công ty này cũng đã tẩu thoát khỏi nơi được xem là “địa ngục trần gian”.

Dù đã được báo trước, nhưng phải mất hơn 15 phút, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam mới vào được bên trong để kiểm tra. Điều đầu tiên đập vào mắt mọi người là môi trường làm việc đầy ám khí.

Ông Nguyễn Đức, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi khi đến tìm hiểu thực tế tại đây: "Khi chúng tôi đi vào thì có một cổng gác ở ngoài. Đi vào cổng thứ nhất đến cổng thứ 2 phải chờ đợi ít nhất 15 phút. Tôi mới hỏi đồng chí Chủ tịch UBND xã, liệu đồng chí vào, doanh nghiệp có cho vào hay không? Làm sao kiểm tra"?

Tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương có trữ lượng vàng lớn nhất miền Trung. Bên cạnh 2 mỏ vàng lớn là Bồng Miêu ở huyện Phú Ninh và Đắk Sa, huyện Phước Sơn thì nhiều địa phương miền núi khác đều có mỏ.

Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, vàng sa khoáng phân bổ dọc theo sông, suối tại hầu hết các xã vùng cao. Do địa bàn rộng, núi non hiểm trở nên việc tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2016 đến tháng 8 năm nay, huyện tổ chức 22 đợt kiểm tra. Riêng từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 5 đợt.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, thẩm quyền cấp giấy phép khai thác mỏ vàng thuộc cấp tỉnh, địa phương chỉ theo dõi, quản lý: "Nếu nói các mỏ vàng đem lại lợi ích gì cho người dân địa phương thì chẳng có lợi gì cả, cũng không giải quyết được nguồn thu cho lao động địa phương".

Các điểm mỏ này cũng đã triển khai, các đối tượng, người dân cũng đã biết có vàng hay không có vàng. Như vậy, ai đứng ra quản lý khi không cho các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động? Chính quyền có quản lý được không? Lực lượng công an có quản lý được? Dân quân có quản lý được? Nếu người dân làm thì tình trạng tệ nạn xã hội, mất an toàn, tệ nạn còn cao hơn nữa", ông Hà cho biết.

Trên địa bàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam hiện có 4 doanh nghiệp được tỉnh cấp phép khai thác vàng tại 5 điểm mỏ. Trong đó có 1 mỏ khai thác công nghiệp tại thôn 4, xã Phước Đức, quy mô gần 8 ha do Công ty vàng Phước Sơn quản lý khai thác.

Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trong công tác cấp phép, kể cả cấp phép thăm dò, cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hay cấp phép sử dụng hóa chất đều chưa có giải pháp kèm theo, sau cấp phép là quản lý thế nào cho chặt chẽ; chưa thực hiện đồng bộ giữa cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác.

"Lâu nay vẫn có bất cập trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, nhất là khai thác nhỏ lẻ. Tuần tra, truy quét, đẩy đuổi là giải pháp tình thế, “chữa cháy”. Cái chính là làm sao rà soát, bổ sung quy hoạch để khu vực nào cấm một cách nghiêm ngặt thì chúng ta có giải pháp, còn khu vực nào vẫn phải cấp phép để quản lý được địa bàn", ông Hồng cho hay./.

Hoài Nam/VOV - Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-bat-chap-phap-luat-thi-nhau-khoet-nui-tim-vang-811571.vov