Doanh nghiệp bất an vì môi trường kinh doanh thiếu an toàn

Trong khi Thủ tướng nhiều lần khẳng định Chính phủ cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, thì sự việc xảy ra mới đây đối với Công ty Hoàng Hà ở thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho thấy thực tế đang diễn ra trái ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi sự việc cướp tài sản xảy ra, anh Bằng đã phải ngừng hoạt động, tháo dỡ biển hiệu tại nơi từng là trụ sở của Công ty

Dàn cảnh để chiếm đoạt tài sản

Anh Hoàng Công Bằng, trú tại xóm Vôi, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hà Việt Nam (Công ty Hoàng Hà) vừa có đơn gửi tới các cơ quan báo chí phản ánh một số đối tượng đã ngang nhiên đến cướp tài sản của Công ty tại trụ sở làm việc.

Theo anh Bằng, sự việc xảy ra vào lúc hơn 13 giờ ngày 28/12/2018, khi đó anh Bằng đang chủ trì họp ban lãnh đạo Công ty thì ông Nguyễn Văn Vọng là Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Tân Hưng Thịnh (Công ty Tân Hưng Thịnh) đến thanh lý hợp đồng. Sau khi đối chiếu công nợ, Công ty Tân Hưng Thịnh phải thanh toán cho Công ty Hoàng Hà 1,22 tỷ đồng. Ngay sau đó, ông Vọng đã giao đủ số tiền trên cho anh Bằng, anh Bằng nhận tiền và để trên bàn và ký thanh lý hợp đồng.

Lúc này bất ngờ có 3 người là Nguyễn Văn Luân (con trai ông Vọng), Nguyễn Văn Thơ (em trai ông Vọng) và một người đàn ông nữa xông vào phòng cướp đi số tiền 1,22 tỷ đồng trên bàn, sau đó chạy xuống chiếc xe ô tô biển kiểm soát 20A-287.20 tẩu thoát. Sự việc này đã gây náo loạn trụ sở Công ty Hoàng Hà, anh Bằng hô hoán đuổi theo nhưng không kịp. Ngay trong ngày, anh Bằng đã đến Công an thị xã Phổ Yên trình báo về sự việc.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xác minh, ngày 6/3/2019, Công an thị xã Phổ Yên có văn bản trả lời anh Bằng, theo đó, cơ quan công an đã quyết định không khởi tố vụ án vì không có sự việc phạm tội “cướp giật tài sản” xảy ra tại văn phòng Công ty Hoàng Hà vào ngày 28/12/2018.

Tiếp theo, sau khi anh Bằng có đơn khiếu nại quyết định của Công an thị xã Phổ Yên, ngày 5/4/2018, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên đã có quyết định giải quyết, theo đó, bác đơn khiếu nại của anh Bằng, giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên.

Theo xác minh của Công an thị xã Phổ Yên, sau khi anh Bằng nhận tiền từ ông Vọng, thì có Nguyễn Văn Thơ đi cùng một nam giới vào văn phòng Công ty gặp Đoàn Đức Sơn (là cổ đông của Công ty Hoàng Hà đang dự họp) và đưa cho Sơn một tờ giấy vay nợ với số tiền 1,5 tỷ đồng và đề nghị Sơn phải trả. Sau đó Sơn đề nghị Công ty Hoàng Hà cho Sơn vay số tiền 1,22 tỷ đồng mà Công ty Tân Hưng Thịnh vừa trả để trả nợ. Hai cổ đông khác là anh Toàn đồng ý cho Sơn vay 300 triệu đồng, anh Giới đồng ý cho Sơn vay 500 triệu đồng là số tiền hai người này góp vào Công ty. “Vì Sơn đã góp số tiền 600 triệu đồng vào Công ty nên khi được anh Toàn và anh Giới đồng ý, Sơn đã lấy toàn bộ số tiền 1,22 tỷ đồng giao cho Thơ”- văn bản của Công an thị xã Phổ Yên ghi rõ.

Tuy nhiên, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Chung, Viện trưởng Viện Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên lại giải thích theo hướng khác.

Theo ông Chung, do biết tính anh Bằng là người hiền lành nên các đối tượng trên đã bày mưu để lừa anh nhằm chiếm đoạt của anh số tiền 1,22 tỷ đồng. Tuy vậy, do các đối tượng thực hiện hành vi này rất kín kẽ nên không thể xử lý về hành vi “cướp giật tài sản" được bởi các đối tượng này không có hành vi cướp, anh Bằng cũng không có phản ứng quyết liệt bằng lời nói hay hành động khi sự việc xảy ra như giằng co, xô đẩy hay hô hoán... Các đối tượng biết anh Bằng hiền lành, không hay to tiếng nên mới dàn cảnh như vậy và cùng lắm chỉ có thể xử lý vụ việc theo hướng “sử dụng trái phép tài sản”. Nhưng để xử lý theo tội danh này thì số tài sản sử dụng trái phép phải có giá trị trên 400 triệu đồng, mặt khác, đối tượng có hành vi sử dụng trái phép tài sản lại không phải là những đối tượng mà anh Bằng tố cáo…

Tuy lý giải như vậy nhưng ông Chung lại “mở” rằng, hiện tại phía Viện kiểm sát thị xã Phổ Yên nhận thức như vậy nhưng nếu cấp cao hơn có ý kiến khác thì vụ việc có thể xem xét lại… “Cách tốt nhất là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rút hồ sơ lên hoặc giao Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên kiểm tra lại vụ việc”, ông Chung nói.

Có việc bỏ lọt tội phạm?

Liên hệ với Công an thị xã Phổ Yên, lãnh đạo đơn vị này từ chối tiếp xúc với PV để giải thích thêm về vụ việc. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Nguyễn Xuân Toán (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, kết luận không có sự việc phạm tội “cướp giật tài sản” đối với vụ việc này là có biểu hiện bỏ lọt tội phạm. Bởi số tiền 1,22 tỷ đồng là tài sản của Công ty Hoàng Hà, việc quản lý số tiền này phải theo các quy định của pháp luật và các nguyên tắc về tài chính.

Cụ thể, số tiền 1,22 tỷ đồng phải được thể hiện trên sổ sách của Công ty Hoàng Hà, phải nhập quỹ, tính toán các khoản nghĩa vụ thuế (nếu có). Khi chi ra để sử dụng, số tiền này cũng phải dựa trên sự đồng thuận của Hội đồng quản trị, trong đó không thể thiếu sự đồng ý của anh Bằng. Trong trường hợp các cổ đông muốn rút vốn thì cũng phải theo các quy định của pháp luật, không thể bất chợt “thích thì rút”, không theo quy định của pháp luật và cũng không có sự thông báo, bàn thảo gì trong nội bộ doanh nghiệp.

Theo Luật sư Toán, về nguyên tắc, cổ đông sáng lập không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Khoản 5 Điều 84 Luật doanh nghiệp quy định rõ: “Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.

Luật sư Toán cho biết, sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập mới được bãi bỏ, khi đó cổ đông sáng lập mới có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình. Mặt khác, trường hợp cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định thì thành viên Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút.

Như vậy, việc rút vốn của 3 cổ đông sáng lập của Công ty Hoàng Hà là các anh Toàn, Giới và Sơn là không được pháp luật cho phép bởi Công ty mới đăng ký hoạt động từ ngày 13/8/2018 (tức là tới thời điểm xảy ra vụ việc mới chỉ được vài tháng). Và như vậy, việc Công an thị xã Phổ Yên cho rằng, vì các cổ đông có góp vốn, nay rút ra nên không có hành vi “cướp tài sản” là nhận định thiếu thuyết phục.

Luật sư Nguyễn Xuân Toán cho rằng, diễn biến sự việc cho thấy rõ ràng đã có hành vi cướp đoạt 1,22 tỷ đồng của Công ty Hoàng Hà bởi một nhóm người phối hợp với nhau có tổ chức, trong đó có người chủ mưu, có người là đồng phạm, giúp sức. “Vì vậy việc Công an thị xã Phổ Yên quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc xảy ra tại trụ sở Công ty Hoàng Hà ngày 28/12/2018 là có biểu hiện của việc bỏ lọt tội phạm”, Luật sư Toán chốt lại.

Trong khi tỉnh Thái Nguyên cũng như cả nước đang có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn thì kết quả giải quyết vụ việc tại Công ty Hoàng Hà của các cơ quan chức năng rõ ràng đã không thể khiến doanh nghiệp yên tâm về một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn. Được biết, mới đây, Công ty Hoàng Hà đã gửi đơn đến Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thái nguyên để được hỗ trợ giải quyết về vụ việc.

Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

T. Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-bat-an-vi-moi-truong-kinh-doanh-thieu-an-toan-post62721.html