Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn cơ hội tăng trưởng

Thị trường bảo hiểm năm 2019 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh. Tuy nhiên, sang những tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đều 'ngấm đòn' từ Covid-19.

Các DN bảo hiểm vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2020. Ảnh: ST

Các DN bảo hiểm vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2020. Ảnh: ST

Kết quả kinh doanh giảm sút

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160.180 tỷ đồng, tăng 20,54%, trong đó DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỷ đồng và DN bảo hiểm nhân thọ đạt 107.793 tỷ đồng. Các DN bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 44.006 tỷ đồng.

Hầu hết chuyên gia đều nhận định, ngành bảo hiểm tăng trưởng ổn định trong thời gian qua là do năng lực tài chính, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro của các DN bảo hiểm không ngừng được nâng cao; các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm; thêm vào đó khung khổ pháp lí trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, đồng bộ hơn…

Khảo sát các DN bảo hiểm vào tháng 6/2020 của Vietnam Report chỉ ra có đến 90,5% DN lạc quan về triển vọng toàn ngành bảo hiểm trong 6 tháng cuối năm 2020. Điều này có được là nhờ vào, công nghệ phát triển mạnh mẽ, ứng dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm; nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm ngày càng được cải thiện; triển vọng kinh tế vĩ mô phục hồi và bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh lên các DN, trong đó có DN bảo hiểm. Nếu như trong quý 1/2020, nhiều DN bảo hiểm ghi nhận doanh thu tăng tăng trưởng 2 con số, thì sang quý 2, ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường chỉ tăng 6%. Theo đó, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Tổng cục Thống kê đánh giá, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng. Do lĩnh vực bảo hiểm không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu nên các điểm kinh doanh, giao dịch bảo hiểm với khách hàng phải đóng cửa và tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo ước tính của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm PJICO, với kịch bản dịch bệnh kết thúc trong quý 2/2020, doanh thu bảo hiểm hàng hóa của PJICO sẽ sụt giảm khoảng 20% so với kế hoạch năm 2019. Bảo hiểm các lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và lượng tiêu thụ xăng dầu nhiên liệu bay cũng giảm theo. PJICO ước tính, doanh thu bảo hiểm hàng không sẽ sụt giảm từ 30-50%, bảo hiểm tàu thủy ước sụt giảm từ 10-20% so với năm 2019. PJICO cũng dự đoán mảng bảo hiểm xe cơ giới của Công ty tiềm ẩn nhiều rủi ro sụt giảm doanh thu từ 15-20% so với năm 2019 do khan hiếm lượng xe bán ra và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu các khoản chi tiêu lớn.

Tương tự, trong báo cáo triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), tái tục các hợp đồng bảo hiểm hiện hữu có những khó khăn nhất định, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng liên quan đến vận tải, du lịch. Ðối với doanh thu bảo hiểm khai thác mới bị ảnh hưởng bởi việc hạn chế đi lại, du lịch, lượng tiêu thụ ô tô giảm. Các dự án xây dựng, mở rộng sản xuất tại khu vực tư nhân cũng bị chậm lại… Với định hướng tập trung bán lẻ thì đây sẽ là thách thức lớn cho MIC.

Giữ vững “phong độ”

Ngoài những khó khăn do tình hình thị trường, theo báo cáo phân tích thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm từ 0,25-0,3%/năm trong năm 2020, theo sau mức giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi cho các khoản dưới 6 tháng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thu nhập tài chính của các DN bảo hiểm phi nhân thọ khi cơ cấu tiền gửi ngắn hạn (dưới 1 năm) đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản đầu tư. Theo đó, BSC đã giảm mức đánh giá đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ từ khả quan trong năm 2019 xuống trung lập trong năm 2020 với quan điểm lãi suất tiền gửi trong xu hướng giảm sẽ làm giảm lợi nhuận tài chính.

Trước những khó khăn nêu trên, báo cáo của Vietnam Report cho rằng, lãnh đạo các DN phải xem xét, đánh giá lại mô hình hoạt động, phân phối qua ba khía cạnh: khách hàng, lực lượng bán hàng và hỗ trợ (như đầu tư vào dữ liệu và công cụ kỹ thuật số). Cụ thể, hơn một nửa DN bảo hiểm cho biết các quyết định liên quan đến quản trị rủi ro, quản trị nhân lực, quản lý dịch vụ và hỗ trợ khách hàng, tiếp cận khách hàng và chuyển đổi số đang từng bước thay đổi cùng với sự bùng phát của dịch bệnh.

Mặc dù vậy, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo tiếp tục giữ vững “phong độ” tăng trưởng trên 20% trong năm 2020.

Như vậy, ngành bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhất là khi những hỗ trợ về chính sách của Bộ Tài chính được đánh giá tích cực và kịp thời. Do đó, việc tăng trưởng ra sao chỉ còn là vấn đề nội tại của DN với sự thay đổi từ chiến lược đến hành động.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-van-con-co-hoi-tang-truong-130437.html