Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải đổi mới mô hình

Vụ việc Big C thông báo tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7-2019 đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân và hàng trăm doanh nghiệp chuyên cung ứng sản phẩm dệt may cho Central Group.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với ĐTTC, TS. ĐINH THỊ MỸ LOAN (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải nâng cao năng lực, đổi mới mô hình, cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới.

Khó “hất” hàng nội địa

PHÓNG VIÊN: - Liên quan đến vụ việc tại siêu thị Big C, Bộ Công Thương cho rằng hướng giải quyết cần phải dựa trên sự cân bằng lợi ích các bên. Vậy chúng ta cần có chính sách, đòn bẩy như thế nào để cân bằng? Big C đơn phương ngừng nhận các mặt hàng của doanh nghiệp may mặc Việt Nam có thể xem là vi phạm không?

TS. ĐINH THỊ MỸ LOAN: - Đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, cụ thể là các doanh nghiệp may mặc và phía Big C doanh nghiệp bán lẻ, cả 2 đều cùng có chung mục đích phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, tức là phải có hàng hóa chất lượng tốt nhất, đa dạng, giá thành hợp lý… Quan hệ giữa doanh nghiệp bán lẻ với nhà cung ứng đều phải dựa trên cơ sở hợp đồng với tinh thần hợp tác, hỗ trợ nhau.

Trong vụ việc trên, phía Big C đã xử lý vụ việc kịp thời để nối lại đối thoại với bên nhà cung ứng, đồng thời sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra từ những quyết định đơn phương của mình.

- Có phải Big C đang cố tình “hất” hàng Việt ra khỏi hệ thống bán lẻ của mình để đưa hàng ngoại độc chiếm thị trường?

- Tôi cho rằng việc siêu thị Big C ra thông báo tạm ngừng nhập hàng may mặc của Việt Nam như vừa qua là sự kiện không vui, và đây có thể xem là bài học cả phía doanh nghiệp bán lẻ lẫn doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cần phải rút kinh nghiệm.

Hiện nay ngành dệt may sử dụng rất nhiều lao động nữ và cũng được các cấp hội của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quan tâm, nên chỉ cần một tác động nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Do đó, nếu giữa các doanh nghiệp có sự khác biệt hay tranh chấp với nhau, nên được giải quyết trên cơ sở hợp đồng các bên đã ký kết và theo đúng quy định của pháp luật. Còn để xảy ra sự việc như vừa qua của Big C là điều rất đáng tiếc.

Đối với Big C nói riêng và Centra Group tại Việt Nam nói chung, qua việc này cũng có nhiều ý kiến nhận xét, bình luận trái chiều. Nhưng theo tôi cũng chưa thật sự hoàn toàn chính xác và khách quan.

Theo quan điểm của tôi và cũng từ thực tế, không có bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài nào tại thị trường Việt Nam hoặc thậm chí ở các thị trường nước khác, chỉ bán lẻ hàng hóa độc quyền của quốc gia, của doanh nghiệp ấy.

Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận khách quan, những năm qua siêu thị Big C đã có nhiều hành động cụ thể hỗ trợ hàng hóa Việt Nam, như ưu tiên cho hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có mặt, đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành may mặc cùng liên kết với nhau, giới thiệu sản phẩm hàng may mặc Việt Nam tại các hội chợ triển lãm tổ chức tại Thái Lan.

Thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ không thể chỉ bán hàng của các nước chủ sở hữu của hệ thống bán lẻ ấy, mà phải luôn luôn bán cả hàng nội địa, tức hàng hóa của quốc gia đang là thị trường sở tại. Thậm chí, hàng nội địa còn có tỷ lệ cao hơn hàng của nước chủ sở hữu, bởi đây không phải chỉ là ý muốn chủ quan của doanh nghiệp bán lẻ, mà do yêu cầu khách quan của thị trường, nhu cầu đòi hỏi của người tiêu dùng.

Theo khảo sát và nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay không chỉ Big C mà hệ thống các nhà bán lẻ nước ngoài khác như Aeon Maill, Lotte…, tỷ lệ hàng Việt vẫn nhiều hơn so với tỷ lệ hàng ngoại nhập.

Bên cạnh đó, những năm gần đây người tiêu dùng trong nước đã có ý thức rất cao trong việc dùng hàng nội địa, theo tinh thần người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Song chỉ vậy thôi chưa đủ, còn cần có sự cộng hưởng từ phía các doanh nghiệp sản xuất trong nước, phải chuyển sang tư duy hoàn thiện hơn, đó là hàng Việt Nam phải nâng cao hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá thành hợp lý để từ đó chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng trong nước một cách thuyết phục và bền vững.

Phải đổi mới để cạnh tranh

- Từ vụ việc của Big C, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi phân phối hàng hóa thị trường nội hiện nay, ý kiến của bà như thế nào?

- Tôi cho rằng nhận xét như vậy chưa chính xác lắm. Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, tuy nhiên lực lượng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chiếm đa số cả về số lượng lẫn mạng lưới. Cùng với đó là các sự vươn lên của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, hệ thống không ngừng được mở rộng.

Do đó không thể nói là hiện nay chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài.

- Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới, trong đó nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ đưa xuống mức thuế quan 0%. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường Việt Nam sẽ có sự tham gia của hàng hóa nhiều nước và cạnh tranh khốc liệt hơn. Các nhà bán lẻ Việt Nam cần làm gì để có thể đáp ứng được đòi hỏi mới của thị trường và cạnh tranh hiệu quả với hệ thống bán lẻ các doanh nghiệp nước ngoài?

- Vấn đề này chúng ta đã nhìn nhận, phân tích và dự báo cách đây khá lâu rồi, ngay khi Việt Nam vừa gia nhập WTO. Và đặc biệt gần đây càng được nói nhiều hơn sau khi ký kết các FTA thế hệ mới vừa qua. Tôi cho rằng ở đây chúng ta cần nhìn nhận ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, ở góc độ các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam. Đối với nhà bán lẻ, quan điểm nhất quán vẫn là phục vụ người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm. Đối với các nhà bán lẻ Việt Nam, điều cần làm là phải nâng cao năng lực, đổi mới mô hình, cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới.

Hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ trong nước có những khó khăn như quy mô nhỏ, phát triển sau, nguồn lực tài chính hạn chế. Mặt khác, dù có những bước phát triển, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải đối mặt như chất lượng nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp chưa cao, logistics cho bán lẻ vẫn yếu kém, chi phí cao cho hệ thống kho bãi, vận tải, làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh. Ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn thấp, trong khi đây lại là thế mạnh của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Do đó, chuyển đổi về mặt số (Digital Transformation) trong bán lẻ là một đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp cung ứng trong nước. Để hàng hóa Việt cạnh tranh thành công với hàng hóa nước ngoài không chỉ có sự nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ, mà cần sự cộng hưởng từ phía các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức, ứng dụng công nghệ hiện đại để sao cho chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng nội địa. Hàng hóa tốt, hệ thống phân phối tốt chúng ta mới thành công được.

Thứ ba, về vấn đề cạnh tranh. Hiện nay, sau khi Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới, nhiều dự báo cho thấy hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam. Một thị trường 95 triệu dân với mức thuế quan nhiều mặt hàng về 0% chắc chắn có sức hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài. Song mức độ tràn vào của hàng hóa ngoại như thế nào còn do sự tính toán và cân nhắc của chính các doanh nghiệp nước ngoài, bởi không phải thị trường nào họ cũng sẵn sàng mạnh tay đầu tư.

Nhưng thời gian tới hàng Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với hàng nước ngoài. Ở góc độ nào đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tự hoàn thiện mình, cải thiện chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá thành để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh hơn.

- Xin cảm ơn bà.

Lưu Thủy (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-ban-le-viet-nam-can-phai-doi-moi-mo-hinh-69832.html