Doanh nghiệp 24h: Hàng loạt sếp lớn bị khởi tố, bắt giam ở 'vũng lầy' 7.000 tỷ

Loạt cựu sếp nhà máy xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex) thua lỗ hàng nghìn tỷ đã bị khởi tố, bắt giam và bị truy nã. Còn nhà máy 7.000 tỷ dù đã khởi động lại nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, rắc rối.

Ảnh minh họa.

“Vũng lầy” 7.000 tỷ: Loạt sếp lớn bị khởi tố, bắt giam, truy nã

Năm 2008, nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phê duyệt đầu tư với số vốn lên đến gần 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ).

Theo kế hoạch, tháng 8/2011 nhà máy này phải đi vào hoạt động chính thức. Thời điểm đó, ông Trần Trung Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTex, đã bày tỏ: "Chúng tôi phấn đấu đưa nhà máy vào vận hành sớm một tháng so với tiến độ. Đây là điều không hề dễ. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm và tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm tốt". Khi ấy, ông Trần Trung Chí Hiếu cũng khoe rằng: Tính đến ngày 24/12/2010, tiến độ tổng thể của Dự án đạt 82,23% vượt 0,48% so với kế hoạch đề ra.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, dự án này bị chậm tiến độ, mãi đến tháng 5/2014 nhà máy mới đi vào hoạt động thương mại. (Xem thêm)

ĐHĐCĐ Tracodi: Đã “thoát” khỏi dự án của HAGL ở Myanmar, sắp làm dự án ở “khu nhà giàu” Thảo Điền

Thông tin này được lãnh đạo CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải – Tracodi (mã TCD) chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 tổ chức sáng nay 15/6.

Kết thúc năm 2017, công ty đạt 1.096 tỷ đồng về doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 75 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Công ty dự kiến chia cổ tức 10% (năm 2016 là 6%) bằng cổ phiếu.

Lãnh đạo công ty cho biết trong năm qua, TCD đã có vay vốn đầu tư dự án bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar, điều này gây e ngại cho nhiều cổ đông. Công ty đã quyết định thoái toàn bộ và bán lại dự án cho các đối tác. Số tiền thu về công ty đã dùng để trả nợ.

Năm 2018, công ty lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần 1.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 77 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2017. Trong đó, mảng xây dựng hạ tầng, dự án bất động sản với doanh thu dự kiến đạt 391 tỷ đồng, tăng 190%. Cổ tức dự kiến trong khoảng 10-12%. (Xem thêm)

KSB muốn huy động tối đa 500 tỷ đồng từ trái phiếu có tài sản đảm bảo

CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã KSB) vừa thông qua Nghị quyết phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo nhằm đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc giai đoạn 1.

Tài sản đảm bảo cũng chính là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đất Cuốc cùng một số tài sản khác.

Hiện chưa rõ thời gian phát hành cũng như các nội dung thanh toán, kỳ hạn trái phiếu hoặc thông tin về đơn vị phụ trách phát hành. (Xem thêm)

Bà Diệp Thảo lại tố 4 thành viên điều hành thao túng Trung Nguyên

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hiện nay bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang là người đồng sở hữu 93% cổ phần tại Trung Nguyên một cách hợp pháp. Tuy nhiên, nhóm người đang điều hành công ty lại hoàn toàn phớt lờ đi việc này. Bằng chứng là đã hơn 3 năm, các hoạt động kinh doanh của tập đoàn, lời - lỗ - doanh thu, bà đều không được thông báo.

Dù nhiều lần gửi công văn, tìm cách đối thoại trực tiếp, gián tiếp… chưa bao giờ bà nhận được các báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo về tình hình tài chính của Trung Nguyên.

“Tôi không vào được công ty của mình nhưng thông tin bảo hiểm xã hội của tôi vẫn đang được đóng tại Trung Nguyên, vậy xem như toàn bộ số tiền mà đáng lẽ tôi được nhận hàng tháng đã về túi ai?”, bà Thảo đặt vấn đề. (Xem thêm)

Sau khi nắm quyền tại Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp Thái vẫn “cần mẫn” gom thêm cổ phiếu

The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd lại vừa có thông báo tiếp tục đăng ký mua thêm hơn 1,17 triệu cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP).

Theo công bố, giao dịch dự kiến được thực hiện từ 18/6 đến 16/7/2018.

Hiện tại The Nawaplastic đang sở hữu hơn 43,35 triệu cổ phiếu BMP tương ứng tỷ lệ 52,96%. Nếu giao dịch thành công doanh nghiệp Thái sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BMP lên 54,39%.

Trong một tháng gần đây, The Nawaplastic đã mua vào thành công gần 1,7 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 2,86 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó. Nguyên nhân không thực hiện được hết lượng cổ phiếu mong muốn do không phù hợp giá mục tiêu. (Xem thêm)

Vướng pháp lý, SCIC đứng ngoài cuộc chơi “thoái vốn”

Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ đưa ra rất nhiều yêu cầu mới về định giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay không có các văn bản hướng dẫn nghị định nên các bên bán vốn đang vướng như “gà mắc tóc”.

Không chỉ có SCIC, mà rất nhiều công ty chứng khoán, nhiều doanh nghiệp và cả các địa phương đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị được hướng dẫn về những điểm mới này. Bởi theo các quy định hiện hành, các bên không có đủ phương pháp và cách thức để xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định của Nghị định.

Đại diện một doanh nghiệp nêu ví dụ, nhà nước hiện còn sở hữu hơn 5% tại doanh nghiệp này nhưng để định giá được doanh nghiệp, đơn vị thẩm định giá phải có quyền tiếp cận toàn bộ các dữ liệu, thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp không đồng ý bằng việc yêu cầu Hội đồng quản trị không cung cấp tất cả những thông tin được yêu cầu. Nhà nước hiện chỉ là một cổ đông nhỏ lẻ tại doanh nghiệp, cũng chỉ có quyền tiếp cận thông tin như một cổ đông. Như vậy, không đủ dữ liệu để tiến hành định giá doanh nghiệp. (Xem thêm)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-24h-hang-loat-sep-lon-bi-khoi-to-bat-giam-o-vung-lay-7000-ty-3454894.html