Doanh nghiệp 24h: Đột ngột cắt một loạt kênh, VTVCab còn thách thức khách hàng?

Liên quan đến lùm xùm về sự biến mất của một loạt các kênh trên VTVCab, một lãnh đạo của đơn vị này cho rằng, việc thay đổi nhằm mang lại sự lựa chọn cho khách hàng.

Ảnh minh họa.

VTVCab: Nếu không vừa lòng, khách hàng có thể lựa chọn đối tác khác

Bày tỏ quan điểm của mình, vị lãnh đạo trên cho biết: “Ở thị trường Việt Nam hiện nay, có hàng chục đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền nhưng đều cung cấp 1 nội dung giống nhau. Một người bán cho cả chục đơn vị kinh doanh trả tiền. Sự thay đổi của VTVCab lần này nhằm mang đến một sự lựa chọn khác cho khách hàng. Nếu họ cảm thấy yêu thích và phù hợp thì lựa chọn hoặc sử dụng dịch vụ từ một nhà mạng khác" ông này nói.

Lãnh đạo VTVcab cho biết thêm VTVCab luôn muốn mang đến sự phục vụ tốt nhất về lĩnh vực truyền hình. “Bản thân những kênh phát sóng mới này đã được chúng tôi chuẩn bị từ lâu, đã báo cáo Cục Phát thanh Truyền hình (Bộ Thông tin & Truyền thông), đã được tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Đa số các ý kiến đều đánh giá hay và khẳng định nên có sự thay đổi để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn”. (Xem tiếp)

Phương Trang kinh doanh ra sao trước khi tuyên bố thay thế Uber?

Được thành lập vào tháng 11/2002, Tập đoàn Phương Trang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mua bán ôtô, vận tải hành khách, bất động sản và kinh doanh dịch vụ với các thương hiệu FutaBuslines, FutaExpress, Futa Land, Futa Taxi, FutaCorp và FutaTravel….

Những ngày đầu Phương Trang hoạt động với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Đến năm 2008, doanh nghiệp này bắt đầu mở rộng đầu tư các tuyến xe miền Tây.

Vào năm 2009, tổng tài sản của Tập đoàn Phương Trang ước đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của các đối thủ như Mai Linh chỉ đạt gần 5.100 tỷ đồng và Vinasun chỉ có tổng tài sản hơn 1.300 tỷ đồng. (Xem tiếp)

Phơi bày tình trạng tài chính, HAG đã sẵn sàng cho giai đoạn mới?

So với báo cáo tài chính quý IV/2017 được công bố trước đó, kết quả kinh doanh năm 2017 sau kiểm toán bốc hơi 660,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ còn 371,6 tỷ đồng. Nguyên nhân được HAG giải thích là do sai sót kế toán, do thiếu sót về chuyên môn của các nhân viên kế toán và do lượng nghiệp vụ quá nhiều.

3 khoản chi phí tăng thêm sau kiểm toán là nguyên nhân chủ yếu gây ra chênh lệch nói trên gồm: Chi phí dự phòng thanh lý Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 hơn 134 tỷ đồng; phần chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty làm phát sinh thêm chi phí tài chính hơn 130 tỷ đồng; chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang cây ăn trái của các công ty con bên Lào và chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái tăng thêm tổng hơn 141 tỷ đồng.

Ngoài ra, giá vốn hàng bán tăng do giảm lợi nhuận chưa thực hiện của các công ty nội bộ và công ty liên kết gần 66 tỷ đồng và tăng chi phí quản lý doanh nghiệp chủ yếu do tăng chi phí phải trả hơn 60,5 tỷ đồng. (Xem tiếp)

Công ty Thiết bị phụ tùng cơ điện bị phạt 30 triệu đồng

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng cơ điện, địa chỉ: Số 56, ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:

Phạt tiền 30 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Vi phạm quy định về thực hiện quyền tại Trung tâm lưu ký chứng khoán. (Xem tiếp)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-dot-ngot-cat-mot-loat-kenh-vtvcab-con-thach-thuc-khach-hang-3442997.html