Doanh nghiệp 24h: Bibica – lợi nhuận sụt giảm trong vòng xoáy 'cuộc chiến vương quyền'

Sở hữu thương hiệu uy tín, quy mô tài sản và năng lực sản xuất lớn, tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng nhanh với tốc độ trên 20%/năm, trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Công ty cổ phần Bibica (BBC) có dấu hiệu giảm sút đáng kể.

Ảnh minh họa.

Bibica: “Nồi da xáo thịt”, lợi nhuận suy giảm

Tại Bibica, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 50,07%, Lotte Confectionery Co.Ltd đứng thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 44,03%.

Sự tham gia của Lotte Confectionery, thành viên của Lotte Group, một trong những công ty bánh kẹo hàng đầu của Hàn Quốc năm 2008 trong vai trò nhà đầu tư chiến lược từng được kỳ vọng sẽ giúp Bibica nhận được sự hỗ trợ về công nghệ và vốn để mở rộng năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm mới, cũng như củng cố thương hiệu, qua đó đem lại bước phát triển mới khi Bibica là một thương hiệu bánh kẹo nội địa tên tuổi, bên cạnh Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị…

Tuy nhiên, những mâu thuẫn dai dẳng giữa Lotte và nhóm cổ đông nội khiến trong vòng 6 năm trở lại đây, nhà đầu tư biết đến Bibica với tin tức về cuộc chiến quyền lực giữa nhóm cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài nhiều hơn là những kế hoạch đưa thương hiệu phát triển. Thậm chí, giai đoạn 2012 - 2013, hoạt động đầu tư của Bibica gần như ngưng trệ, có dự án không thể triển khai vì các nhóm cổ đông không đạt được sự đồng thuận. (Xem thêm)

Giám đốc điều hành Vietjet đã gom thành công 500 nghìn cổ phiếu VJC

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành CTCP Hàng không Vietjet (mã VJC) vừa có công bố thông tin việc đã hoàn thành mua 500 nghìn cổ phiếu VJC như đã đăng ký.

Được biết, thời gian thực hiện giao dịch từ 4/6 đến 25/6/2018. Sau giao dịch, ông Khánh đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Vietjet từ 0,08% lên 0,19% vốn.

Với thị giá cổ phiếu VJC ở vùng 170 nghìn/cổ phiếu, ước tính ông Khánh đã phải chi khoảng 85 tỷ cho giao dịch này. (Xem thêm)

YEG: Trước khi lên sàn, Chủ tịch và VinaCapital giảm mạnh tỷ lệ sở hữu

Bản cáo bạch niêm yết của CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) cho biết, toàn bộ khối lượng cổ phiếu YEG đang sở hữu bởi các cổ đông lớn gồm: ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, ông Đào Phúc Trí, Quỹ DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd, và Ancia Assets Ltd (đại diện Don Di Lam) đều bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 6 tháng kể từ ngày niêm yết.

Thông tin tin giới thiệu cho biết, đến thời điểm 15/6/2018, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đang nắm giữ 7.421.408 cổ phiếu YEG, tương đương 27,14% vốn điều lệ của YEG và Quỹ Quỹ DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd đang nắm giữ 1.954.582 cổ phiếu YEG, tương đương 7,14% vốn điều lệ của YEG. (Xem thêm)

Vua tôm Minh Phú: Qua thời hoàng kim, tìm đường trở lại sàn chứng khoán

Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MPC) vừa quyết định chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 68,46 triệu cổ phiếu thưởng do tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tính ra, tỷ lệ phát hành 1:1, vốn điều lệ được tăng lên gấp đôi. Việc tăng vốn nằm trong kế hoạch tăng vốn lên gấp 3 và quay lại sàn niêm yết sau 3 năm hủy niêm yết tự nguyện của "vua tôm" Minh Phú.

Minh Phú cũng đang dự định phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Việc mở room ngoại lên 100% cũng là bước đệm để đón thêm các nhà đầu tư mới của Minh Phú.

Việc cho phép nhà đầu tư ngoại nắm giữ tối đa 100% tổng số cổ phiếu đang lưu hành chứng tỏ Minh Phú đang rất khao khát có nhà đầu tư ngoại tham gia vào công ty. Trước đây, lý do Minh Phú rút khỏi sản chứng khoán cũng vì muốn cơ cầu lại công ty để đón nhà đầu tư ngoại. Trở lại sàn chứng khoán, Minh Phú hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại sau 2 năm kinh doanh khá bết bát. (Xem thêm)

Công ty Tài chính Bưu điện làm ăn ra sao trước khi “về một nhà” với SeABank?

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đã hoàn tất việc mua lại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) với mức giá 710 tỷ đồng. Sau khi được chuyển nhượng PTF sẽ trở thành đơn vị triển khai nghiệp vụ cấp tín dụng tiêu dùng của SeABank.

Trước đó, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức bán đấu giá công khai Công ty PTF. Phương thức bán đấu giá kế thừa công nợ với giá khởi điểm là 500 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty PTF nằm trong phương án sắp xếp, tái cơ cấu lại các doanh nghiệp trong Tập đoàn VNPT đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo tài chính năm 2017 của PTF, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này là âm 32,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2016. Lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động đầu tư là 10,4 tỷ đồng giảm mạnh so với năm 2016 (32,7 tỷ đồng). Theo đó lưu chuyển tiền tệ thuần trong kỳ của PTF là âm 21,9 tỷ đồng. (Xem thêm)

Cổ phiếu HAG, DLG và QCG của 3 đại gia Phố núi đã “đi về nơi xa lắm”

Xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ khá sớm, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn DLG (mã DLG) là 3 doanh nghiệp lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông, lâm nghiệp, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng… Tuy nhiên, những năm gần đây cổ phiếu của cả 3 doanh nghiệp này thường xuyên giao dịch với thị giá thấp dưới mệnh giá.

Trong khi cổ phiếu HAG của “ông bầu” Đoàn Nguyên Đức đã gần 2 năm trở lại đây luôn giao dịch với thị giá dưới mệnh giá, đặc biệt có thời điểm giảm xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch 26/6/2018, cổ phiếu HAG tăng 4,8% đóng cửa ở mức giá 5.070 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt 4.700 tỷ đồng.

Cổ phiếu DLG của CTCP Tập đoàn DLG cũng đã không ngoi lên nổi mệnh giá từ thời điểm tháng 3/2015. Thậm chí giá một cổ phiếu DLG hiện nay còn chưa bằng giá một cốc trà đá ở các đô thị. Kết phiên 26/6, DLG đóng cửa ở mức 2.930 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường vỏn vẹn 835 tỷ đồng. (Xem thêm)

Trước thềm IPO, Vinalines - công ty mẹ dự kiến lỗ hơn 1.100 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2018

Trong bản công bố thông tin về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đánh giá, thị trường vận tải biển trong những năm đầu của giai đoạn 2018-2020 dự kiến vẫn phục hồi chậm nên các doanh nghiệp vận tải biển chỉ cố gắng duy trì ổn định hoạt động của đội tàu.

Do đó, lên kế hoạch cho thời gian tới, Vinalines vẫn khá thận trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Vinalines dự kiến doanh thu đạt 533,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 1.141 tỷ đồng. Đến nửa sau năm 2018, công ty dự kiến lãi 143,9 tỷ đồng.

Con số lãi sẽ được cải thiện lên 177,2 tỷ đồng vào năm 2019 và 223,5 tỷ đồng vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu công ty mẹ trong năm tới dự kiến tăng gấp đôi lên 1.048 tỷ đồng và dự kiến đạt 1.063 tỷ đồng vào năm 2020. (Xem thêm)

LINH LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-24h-bibica-loi-nhuan-sut-giam-trong-vong-xoay-cuoc-chien-vuong-quyen-3456693.html