Đoàn xe 'siêu tải' đại náo đê Hữu Hồng: Liệu có sự tiếp tay?

Những chiếc xe 'siêu tải' ngang nhiên tung hoành trên tuyến đê Hữu Hồng (thuộc địa bàn quận Long Biên, và huyện Gia Lâm, Hà Nội). Khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, các lái xe lại biết rõ thông tin để né tránh. Điều này khiến dư luận hoài nghi có sự tiếp tay của thế lực nào đó cho đoàn xe quá tải và đằng sau những xe 'siêu tải' này là ai?

Đoàn xe "siêu tải" tung hoành trên đê Hữu Hồng, tuyến QL1 và QL5 khiến nhiều hộ dân sống hai bên đường bất an.

Đoàn xe "siêu tải" tung hoành trên đê Hữu Hồng, tuyến QL1 và QL5 khiến nhiều hộ dân sống hai bên đường bất an.

Liên quan đến đoàn xe quá tải chở đất, cát, vật liệu xây dựng phục vụ dự án VinCity Gia Lâm “cày ngày, cày đêm” trên tuyến đê Hữu Hồng và các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 5, đường Cổ Linh, Thạch Bàn... mà Tạp chí Giao thông vận tải đã phản ánh, sau khi bài viết: “Bất lực nhìn xe quá tải lộng hành, đê Hữu Hồng oằn mình kêu cứu” được đăng tải, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự bức xúc trước sự“bất lực” của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Công an quận Long Biên, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Theo đó, rất nhiều ý kiến bạn đọc đều đánh giá năng lực của lực lượng chức năng như: TTGT, CSGT, Công an quận Long Biên, Gia Lâm trong quá trình xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn là yếu. Bạn Lê Ngọc Thăng bày tỏ: “Công cụ, quyền hạn trong tay mà việc này khó xử lý – chuyện thật như đùa”.

“Việc khó hơn nữa còn làm được, việc như thế này quá dễ với cơ quan chức năng”, “năng lực kém quá”, “phá nát đường rồi mới xử lý”, “ các lực lượng chức năng đi là làm được ngay, không khó gì cả, chỉ có muốn làm hay không thôi”, “bao biện, phải chăng có sự khuất tất ở đây, cả mấy chục cái xe to như thế mà không bắt được cái nào, hôm nào TTGT ra cân thì xe né, vậy xe né đi đâu, một tháng ra cân được mấy ngày, hay lại con voi chui lọt lỗ kim” – nhiều ý kiến bạn đọc bức xúc.

Đội TTGT huyện Gia Lâm bố trí lực lượng, tập trung xử lý vi phạm trên đê Hữu Hồng, song kết quả thu được lại rất hạn chế

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc còn bày tỏ nghi ngờ có sự tiếp tay của các lực lượng chức năng, nên khi các lực lượng này cắm chốt xử lý vi phạm là các lái xe lại biết rõ thông tin để né tránh. “Có hay không người của TTGT, CSGT, CSTT tiếp tay cho các doanh nghiệp vận tải để báo tin cho họ trước khi có đợt thanh tra. Việc bắt xe quá tải đối với nhân dân không khó mà tại sao các lực lượng này lại kêu khó” – ý kiến độc giả Trương Thế Nhật đặt câu hỏi.

Một câu hỏi lớn khác được đặt ra là tại sao các lực lượng chức năng của Hà Nội, kiểm soát xe quá tải trên đường đê Hữu Hồng, các tuyến QL1, QL5 lại không thường xuyên, chỉ khi báo chí phản ánh mới tung quân xử lý. Tuy nhiên cứ lực lượng chức năng ra đường lại không có xe quá tải đi qua? Vậy phải chăng lực lượng nào đã mật báo cho các xe này, phải chăng có thế lực “chống lưng”!?

Việc xử lý như kiểu "muối bỏ bể", bởi sau khi lực lượng rời đi, xe quá tải lại mặc sức tung hoành

Đơn cử như sáng ngày 6/3, có mặt tại vị trí cắm chốt xử lý vi phạm thuộc lực lượng liên ngành TTGT, CSTT huyện Gia Lâm trên đê Hữu Hồng (đoạn quan xã Đông Dư, huyện Gia Lâm), phóng viên nhận thấy các xe quá tải không còn hoạt động rầm rộ như trước đó, thay vào đó là hình ảnh các xe nằm “án binh bất động” trong các bãi tập kết cát dưới chân cầu Thanh Trì.

Tuy nhiên, đến tầm trưa, khi lực lượng chức năng rời đi, cũng là lúc các xe tải Howo tải trọng từ 40 - 50 tấn, xe trộn xi măng, xe chở cát quay trở lại hoạt động công khai.

Chỉ trong 10 phút có mặt trên tuyến đê này, phóng viên ghi nhận các xe tải chở cát quá thùng, không có che chắn mang BKS 30S-0176, 29C-020.69, 37H-8588, 30U-2354... phóng với tốc độ cao trên đường đê.

Những chiếc xe này được gắn những chiếc lô gô như: Thanh Tùng, TS, PQ, ND, T. Đạt, Minh Tâm... Được biết, chủ nhân của những nhà xe có gắn lô gô trên là những người có máu mặt tại địa phương như: lô gô ND của người tên Chiến chọi; TS của người tên Thuần và Sơn; PQ của một người tên Hùng - Phú Quang...

Trước việc các lượng chức năng Hà Nội xử lý xe quá tải theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, mang tính chất đối phó, trấn an dư luận không mang lại hiệu quả như mong đợi, một số ý kiến hoài nghi về việc lộ thông tin quá trình tuần tra, xử lý vi phạm nên các lái xe biết được để né tránh.

Nhiều bạn đọc còn cho hay, cơ quan chức năng nên đặt trạm cân 24/7 thì mới xử lý được đoàn xe “siêu tải”.

Trước đó, theo ghi nhận của Pv Tạp chí Giao thông vận tải, khu vực tuyến đê Hữu Hồng thuộc địa phận phường Cự Khối (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm,Hà Nội), hằng ngày có hàng trăm xe tải chở đất, cát di chuyển tốc độ cao qua điểm mặt đê bị rạn nứt, lún dài và được cắm biển cảnh báo “khu vực đang theo dõi lún”.

Xe chất có ngọn chạy từ đê Hữu Hồng ra phía cầu Thanh Trì - QL1

Từng đoàn xe nối đuôi nhau hoạt động mà không hề vấp phải sự kiểm tra, xử lý từ lực lượng chức năng

Xe quá tải lộng hành là vậy, nhưng lạ một nỗi, hành trình của cả đoàn xe trên suốt chặng đường từ các điểm tập kết cát trái phép ven sông Hồng, đi qua các tuyến đường nội đô Hà Nội, các tuyến QL1, QL5, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy... mà không bị lực lượng chức năng “sờ gáy”.

Trong khi đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình trật tự ATGT 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “ UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h, kiên quyết xử lý nghiêm xe chở hàng quá tải. Địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh, Thành phố phải chịu trách nhiệm...".

Trước tình trạng xe quá tải có xu hướng bùng phát mạnh trên địa bàn Hà Nội, câu hỏi được đặt ra là, Chủ tịch UBND – kiêm Trưởng ban ATGT thành phố Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trước Chính phủ trong công tác kiểm soát tải trọng xe và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông?

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.

Nhóm PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/doan-xe-sieu-tai-dai-nao-de-huu-hong-lieu-co-su-tiep-tay-d73054.html