Đoàn viên

Buổi trời hôm ấy đẹp lắm, Thạch dậy sớm hơn mọi ngày để giặt giúp vợ chậu quần áo, lau lại sàn nhà, dọn dẹp mọi thứ lần nữa sao cho ngôi nhà thật sạch sẽ, tươm tất. Đâu vào đó, anh đặt ấm nước để bé Bắp Cải ngủ dậy đánh răng. Con bé hay bị viêm họng, nước buổi sáng lạnh sẽ không tốt cho bé. Đời lính ít khi được ở nhà với vợ con, thế nên Thạch tận dụng từng giây, từng phút mỗi ngày phép bên gia đình.

Ngày mai tổ của anh sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, vậy nên sáng nay anh phải trở lại đơn vị. Thảo sắp sinh đứa thứ hai, xong đợt tuần tra này, Thạch sẽ được nghỉ phép để ở nhà chăm sóc vợ trong những ngày ở cữ. Hồi Thảo sinh bé Bắp Cải, Thạch đang làm nhiệm vụ ở đảo, mãi khi con bé hơn hai tuổi anh mới được về nhà. Vì thế mà con bé gọi Thạch bằng chú. Nó giãy nảy mỗi khi Thạch ôm nó. Nhớ con không chịu được, Thạch chờ đêm con ngủ say để nắn tay nắn chân con cho thỏa, con bé khóc ré lên đuổi Thạch ra ngoài mới chịu ngủ. Thảo cũng khóc theo. Cho đến một hôm, đang lúc ăn cơm, con bé bảo Thảo:

- Mẹ ơi, con nhớ bố!

Cả nhà ngỡ ngàng trước câu nói vô tư của con bé. Thạch thoáng đỏ mặt chưa hiểu chuyện gì thì con bé lại nói tiếp:

- Mẹ gọi điện cho con nói chuyện với bố đi. Bố mặt cười í.

Minh họa: Quang Cường

Minh họa: Quang Cường

Lúc bấy giờ mới biết bố mà con bé nhắc tới là người hay nói chuyện điện thoại với nó trong thời gian qua. Đó là khoảng thời gian Thạch công tác trên biển. Con bé chỉ biết bố nó là chú mặt cười mẹ Thảo lưu trên điện thoại. Buổi tối, Thảo lấy điện thoại đưa cho con bé và chỉ cho nó gọi cho ông bố mặt cười, con bé hí hửng gọi. Điện thoại Thạch đổ chuông. Lúc bấy giờ con bé như hiểu ra đôi chút nhưng nó vẫn chưa quen gọi Thạch là bố. Dần dà, với những cố gắng của Thạch, rồi những bữa Thảo trực đêm ngủ lại bệnh viện, con bé như quen hơn với ông bố mặt cười thật ngoài đời chứ không phải trong điện thoại mẹ Thảo. Nó bất chợt gọi:

- Bố ơi, con muốn uống nước!

Thạch mừng rơn ôm con vào lòng, không cầm được nước mắt. Con bé lại hỏi:

- Sao bố lại khóc?

- Bố vui con à. Bố lấy nước cho con nhé!

- Bố ơi! Bố là bố mặt cười trong điện thoại của mẹ đúng không ạ?

- Ừ! Bố là bố của con, bố mặt cười đây, con yêu!

Đêm qua, Bắp Cải nghe nói bố sắp được ở nhà lâu, sẽ đưa đón nó đi học và sẽ ngủ cùng, con bé vui mừng và cứ tíu tít ôm lấy cổ Thạch, đi đâu nó cũng khoe với mọi người là bố con về, bố ở nhà lâu lắm, bố sẽ đưa con đi học...

Thạch hôn lên trán con chào tạm biệt, Thảo tỉnh giấc tiễn anh ra cổng. Sáng nay, Thạch đứng lại lâu hơn một chút, vén những sợi tóc rơi xỏa bên má vợ, đặt lên trán cô nụ hôn nhẹ nhàng, ánh mắt anh trìu mến.

- Chân em lại sưng to lên nữa rồi, khó đi lắm phải không? Buổi tối trước khi đi ngủ nhớ ngâm chân một chút cho dễ chịu!

Anh cúi xuống nắn nắn đôi chân Thảo mấy phút rồi lại đứng lên ôm cô thêm một lần nữa. Anh đi. Những ngôi nhà quay lưng về phía biển như vẫn còn ngái ngủ, tiếng những con sóng choãi vào ôm bờ rào rạt thoảng theo tiếng gió, vị mằn mặn của biển len lỏi dọc theo những con đường trải đầy lá cây. Gió tháng Chạp dường như ngọt hơn để cây cối chuẩn bị nảy lộc đón xuân. Hết đợt tuần tra này, Thạch sẽ về ở nhà lâu hơn, Tết năm nay gia đình sẽ đoàn tụ đủ đầy. Chỉ nghĩ đến thôi mà lòng Thảo dấy lên nhiều niềm vui khó tả. Thảo đưa tay vẫy tạm biệt Thạch, không quên nở nụ cười để anh yên tâm lên đường. Thạch ngoái lại nhìn và ra hiệu bảo vợ trở vào nhà.

- Ở nhà em nhé! Anh sẽ về sớm!

Đời lính như những cánh chim không mỏi trên mọi nẻo đường của dải đất hình chữ S, ở đâu quê hương cần thì các anh sẵn sàng có mặt. Đồn, biên giới, hải đảo là nhà, là quê hương. Những cuộc hành quân, tuần tra là nhiệm vụ. 5 năm kể từ ngày nên vợ nên chồng với Thảo là ngần ấy năm Thạch sống xa nhà. Những lần đi như trở thành quen ấy nhưng bấy nhiêu lần vẫy tay chào tạm biệt vợ con, lòng Thạch vẫn không hết cảm giác bâng khuâng khó tả.

Gác cảm xúc cá nhân, Thạch xốc lại ba lô, sải những bước dài về phía chiếc xe u oát đang đợi sẵn.

***

“Chiều nay, vùng biển X có một nhóm trẻ em bị đuối nước, rất may, đúng lúc đội tuần tra của bộ đội hải quân đi qua và kịp thời cứu các em. Một chiến sĩ trong lúc vật lộn với sóng dữ để đưa các em lên bờ thì không may bị sóng cuốn mất tích vẫn chưa tìm được”.

Bản tin thời sự chiều tối làm lòng Thảo chùng xuống, cô với tay khép cửa sổ. Ngoài kia, những đợt sóng vẫn vỗ đều. Phố biển nơi Thảo vẫn bình yên, dịu dàng. Những cơn sóng hằng đêm vẫn choãi vào ôm lấy bờ như nhung nhớ, như tự tình khắc khoải. Thảo đăm chiêu nhìn về phía biển. Bé Bắp Cải bất chợt reo lên:

- Mẹ ơi, con vừa nhìn thấy ai giống bác Thành bạn bố trên ti vi! Có cả mấy bạn nhỏ nữa!

Con bé vừa dứt lời thì màn hình ti vi phụt tắt vì mất điện. Bác Thành mà con bé nói là đồng đội cùng đội tuần tra với Thạch, nhưng sao con bé chỉ thấy mỗi bác Thành mà không thấy bố. Con bé nhầm chăng? Như có làn gió nhẹ lùa qua, Thảo thấy sống lưng mình thoáng lạnh. Cô cắm cây đèn cầy vào chiếc bát úp giữa bàn. Bé Bắp Cải chống cằm ngắm ánh lửa chập chờn trên cây đèn cầy đợi điện sáng trở lại để xem tiếp liệu người ban nãy nó thấy có phải là bạn bố thật. Thảo cũng kê ghế ngồi đợi cùng con, trong đêm tối, ánh đèn quẹt ngang mặt hai mẹ con. Bụng Thảo đã lùm lùm vượt mặt, thi thoảng cô lại xoa xoa chân vì chuột rút, nén đau, nhăn nhẹ mặt để không phát ra tiếng thít trước mặt con bé. Cô sợ Bắp Cải sẽ kể với Thạch làm anh lo lắng. Thảo bắt đầu thấy cồn cào, bất an. Cô với điện thoại gọi cho Thạch nhưng không liên lạc được. Cô nhấp nhổm đứng lên rồi lại ngồi xuống. Tay liên tục vần vò chiếc điện thoại. Nét âu lo hiện rõ trên khuôn mặt.

Bắp Cải ngủ quên trên bàn ăn, Thảo cho con bé vào giường, nằm xuống cạnh con. “Có một chiến sĩ tham gia cứu nạn bị sóng cuốn vẫn chưa tìm thấy”. Giọng nói của phát thanh viên trong bản tin buổi chiều tối cứ vảng vất đâu đó bên tai Thảo. Lòng như thể có ai đó đốt lửa, cô lại vén chăn ngồi dậy, chặp lại đứng lên đi đi lại lại, lại gọi cho Thạch nhưng không được. Bước chân Thảo vốn đã nặng nề vì thai kỳ tháng thứ chín như nặng hơn. Có tiếng chuông điện thoại đổ. Thảo vội vàng như sợ chỉ muộn một giây là đầu bên kia sẽ tắt máy. Nhưng rồi, Thảo thoáng thất vọng vì không phải là Thạch. Mẹ chồng gọi vì không liên lạc được với Thạch. Thảo trấn an bà rằng chắc điện thoại Thạch hết pin, mẹ đừng lo.

Suốt đêm Thảo không ngủ, có đôi lúc mệt thiếp đi nhưng tay vẫn cầm khư khư chiếc điện thoại, rồi lại giật mình vì tiếng gió thổi khua cây…

***

Đã 3 ngày trôi qua nhưng Thảo vẫn không liên lạc được với Thạch. Theo lịch dự kiến thì cuối tuần này anh sẽ về. Tin về người chiến sĩ mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Nơi Thảo ở thường xuyên mất điện, những bản tin không dõi theo được đầy đủ. Con bé Bắp Cải thì suốt ngày hỏi bố sao chưa về. Lòng Thảo rối bời nhưng vẫn trấn an con bằng nụ cười và ánh mắt kiên định.

Đêm hai mươi lăm tháng Chạp, trời đột nhiên mưa lớn. Thảo trở dạ sớm hơn dự định, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ chồng vẫn chưa lên kịp. Cô gửi bé Bắp Cải cho hàng xóm và tự bắt taxi vào bệnh viện. Chỉ vừa kịp giúi chiếc điện thoại vào tay cô hộ lý phòng trực và bảo: “Nếu chồng em có gọi thì nói với anh ấy giúp em là em khỏe!” là toàn thân Thảo nặng trịch, hai y tá phải dìu thì Thảo mới vào được phòng sinh, ấy nhưng tâm tưởng Thảo vẫn mãi nghĩ về Thạch, cô vẫn chưa liên lạc được với anh. Thảo bước lên bàn sinh với tất thảy những yêu thương và niềm tin mãnh liệt rằng Thạch sẽ trở về vào sáng mai thôi.

***

Khuôn mặt Thảo nhợt nhạt đi vì mệt. Thằng bé nhóp nhép miệng đòi ăn. Thạch vén những sợi tóc xỏa bên má vợ. Anh nhẹ nhàng nắm chặt tay Thảo đặt lên môi mình, mắt rưng rưng xúc động. Từ đơn vị, anh về thẳng bệnh viện khi nhận được tin Thảo trở dạ. Những ngày qua, anh không thể gọi về nhà vì bị rơi điện thoại trong lúc tham gia cứu các cháu bé trong vụ đuối nước và sau đó là cùng đơn vị tìm kiếm đồng đội bị sóng dữ cuốn mất tích. Biết ở nhà lo lắng nhưng nhiệm vụ quan trọng anh chẳng thể nào làm khác được. Thảo tỉnh giấc vì cái siết tay của Thạch. Phải nhắm và mở mắt đến mấy lần thì cô mới tin là Thạch đang ở bên cô bằng da bằng thịt chứ cô không ngủ mơ. Nước mắt cứ thế trào ra. Thảo chìa thằng bé về phía Thạch.

- Cảm ơn anh vì đã trở về!

***

Thạch đưa mẹ con Thảo về nhà. Đường phố đầy sắc màu của đủ thứ đào, mai, cúc... Phố biển những ngày cuối năm rộn ràng các thanh âm xen lẫn. Mưa xuân lắc rắc như rây bột xuống phố.

Anh dọn lại bàn thờ tổ tiên. Bé Bắp Cải giúp bà nội rửa lá dong để gói bánh chưng, con bé vừa làm vừa cười thích thú, nó dùng bàn tay vuốt vuốt trên những chiếc lá dong và hát theo bài hát trên ti vi: “Tết, Tết, Tết đến rồi…!”.

- Mọi năm, những việc này một tay con dâu tôi cả đấy nhé!

Mẹ Thạch nói như để nhắc nhở Thạch. Bà quay sang đảo rổ gạo nếp cho ráo nước. Thạch vừa kê chậu cúc trước cửa nhà thi thoảng lại hướng mắt về phía Thảo và con trai. Tiếng cười ấm áp rộn trong căn nhà giữa tiết trời cuối năm se se lạnh…

Truyện ngắn của PHÚC AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-qdnd-hang-ngay-xuan-canh-ty-2020/doan-vien-608231