Đoàn văn công biết cách 'cai sữa'

120 suất/năm, đoàn nghệ thuật cải lương quốc doanh duy nhất vẫn bán được vé, nuôi sống đội ngũ theo mô hình tự quản

Không lo lắng về chủ trương sáp nhập, Đoàn Văn công Đồng Tháp vẫn tự tin là đơn vị nghệ thuật công lập duy nhất giữ vị thế đoàn cải lương lớn của các tỉnh ĐBSCL sống được trong cơ chế thị trường.

Tư duy "Mẫn liều"

Vở cải lương "Người đồng bằng" (tác giả: Huỳnh Thanh Tuấn, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) rời Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 là tăng dần suất diễn phục vụ khán giả trong tỉnh, trước khi "xuất bến" lưu diễn các tỉnh, thành khác. Diễn viên của đoàn vẫn chân trần, mặt "mộc", không cần tô điểm quá phấn son. Chủ trương bao năm qua của Đoàn Văn công Đồng Tháp là vở diễn dự liên hoan, hội diễn không được cất kho mà phải được nhân dân hưởng thụ. Doanh thu đạt được lại chắt chiu tái sản xuất, nên Đoàn Văn công Đồng Tháp thường đến các liên hoan bằng tâm thế trong sáng, cạnh tranh với chính tác phẩm của mình. Mang danh hiệu đoàn hát bán được vé trong thời buổi cải lương còn bộn bề, lao đao thì huy chương với Đoàn Văn công Đồng Tháp không phải là đích đến.

Diễn viên trẻ của Đoàn Văn công Đồng Tháp luôn tạo được dấu ấn đẹp trong các chương trình, vở diễn phục vụ khán giả

Diễn viên trẻ của Đoàn Văn công Đồng Tháp luôn tạo được dấu ấn đẹp trong các chương trình, vở diễn phục vụ khán giả

NSƯT Đinh Minh Mẫn, nguyên Trưởng Đoàn Văn công Đồng Tháp, được mệnh danh là "Mẫn liều", được lãnh đạo đoàn mời tham gia ban cố vấn, khi đã nghỉ hưu vẫn bình thản: "Kêu than, lo lắng thì được gì, chỉ sợ mất thêm suất diễn, bán không được vé là có lỗi với khán giả đã yêu và trọng mình".

Hai từ "trọng mình" nghe rất nhẹ nhưng với vị "thủ lĩnh" của một đơn vị nghệ thuật trứ danh ở vùng đất ngát hương sen lại là một quá trình trăn trở dài hạn. Hơn 40 năm gắn bó với cải lương, dù là nghệ sĩ ảo thuật nhưng ông Mẫn đã quyết sống chết với sàn diễn của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Ông và chiếc xe máy đã kiên trì chạy khắp miền Trung, miền Tây. Ông thuộc gần hết những cung đường của các xã, huyện, thị trấn ở các tỉnh, thành, tự hào "nơi nào có sân bãi biểu diễn, Đoàn Văn công Đồng Tháp đều đặt chân đến". Trọng khán giả nên các chương trình, vở diễn đoàn mang đến đều "đáng đồng tiền bát gạo". Bởi ông nghe ngóng trong dân, lân la tìm hiểu món ăn tinh thần mà dân thích, nhất là trong vở cải lương điều gì khiến khán giả say đắm. Bởi vậy, kịch mục đoàn của ông mang theo trong mỗi mùa lưu diễn là đa dạng, nơi nào cần tạp kỹ, có xiếc, ảo thuật, ca múa nhạc thì phần mở đầu vở diễn đều phải đáp ứng nhu cầu. Nơi nào thích ca cổ, phần một là những bài ca đi vào lòng người do các giọng ca ngọt ngào mang đến tặng bà con, trước khi mời bà con thưởng thức vở cải lương không quá 2 giờ.

Nhờ đời sống ổn định

Thoát ra khỏi cánh màn nhung, những diễn viên của Đoàn Văn công Đồng Tháp giản dị, chân chất như những cánh hoa sen. Họ bưng bê đạo cụ, khuân vác cảnh trí. Một bộ máy không quá cồng kềnh, vẫn "chạy tốt". Theo NSƯT Hải Yến - diễn viên chính của đoàn - giữ được tinh thần hăng say là nhờ đời sống kinh tế của anh chị em trong đoàn ổn định. Từ diễn viên đến nhân viên hậu đài, phục trang, các khâu chế tác vở diễn...đều được quan tâm chu đáo.

Đoàn còn tạo điều kiện để từng tổ biểu diễn phát huy làm kinh tế phụ. Một phòng cho thuê phục trang được thành lập, nhân dân trong và ngoài tỉnh đều biết tiếng, hễ cần phục trang cho các chương trình biểu diễn từ không chuyên đến chuyên nghiệp là tìm đến TP Cao Lãnh. Ban nhạc cổ cũng thế, có đủ nhạc cụ, các nhạc sĩ đều có thể hòa âm phối khí, cung ứng đúng đơn đặt hàng. Biên đạo múa, đạo diễn, tác giả bài ca cổ đều đáp ứng yêu cầu để mang về vinh quang cho màu cờ sắc áo của Đoàn Văn công Đồng Tháp.

Từ đời sống của phong trào đờn ca tài tử ở Đồng Tháp, đoàn đã tìm nguồn diễn viên để đào tạo. Không ở đâu lực lượng văn nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ nhiếp ảnh lại được chính quyền đầu tư, chăm sóc như ở Đồng Tháp. Khu nhà hậu cứ của Đoàn Văn công Đồng Tháp được xem là khang trang nhất ĐBSCL. Sân khấu biểu diễn đặt trong nhà hát đa năng cũng không kém các thành phố lớn. Đó là nguồn động lực để Đoàn Văn công Đồng Tháp vững vàng bước đi.

Vẫn giữ tinh thần xung kích

Được thành lập với tên Đội Tuyên truyền Xung kích ra đời ở bưng biền Đồng Tháp Mười vào năm 1959. Từ buổi đầu thành lập đến hôm nay, Đoàn Văn công Đồng Tháp vẫn giữ nguyên tinh thần xung kích của mình. Đời sống cơm áo, gạo tiền đã không cản trở bước tiến của đoàn. Họ năng động theo cách của mình và lấy mục đích phục vụ số đông khán giả làm chính. Đoàn là chiếc nôi nghệ thuật lớn của nhiều tài danh sân khấu. Đoàn đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba do Chủ tịch nước tặng thưởng.

Định hướng trước chặng đường mới sau khi sáp nhập Trung tâm Văn hóa Đồng Tháp, ông Mẫn nói: "Giữ hồn cốt của cải lương đến cùng. Sáp nhập với ca múa nhạc hoặc xiếc thì chất cải lương phải nguyên vẹn, đó là điều kiên quyết".

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/doan-van-cong-biet-cach-cai-sua-20181001220202179.htm