Đoàn tụ Hàn-Triều: Người mẹ 92 tuổi chờ ôm con trai 68 năm không gặp

Cuộc đoàn tụ Hàn - Triều đầu tiên sau 3 năm sẽ diễn ra tại núi Kumgang ở Triều Tiên. Khoảng 57.000 người đủ điều kiện tham gia nhưng chỉ 93 người, tức 0,16%, được lựa chọn.

Lee Keum Seom đi mua một chiếc mũ mới để đến gặp con trai, đứa con bà đã không được ôm suốt 68 năm nay.

Lần cuối cùng bà ở cạnh con, Sang Chol lên 4. Cậu bé cùng cha mẹ và em gái đi về phía nam, chạy trốn khỏi tiền tuyến khi Chiến tranh Triều Tiên đang ở những ngày đầu.

Hàng trăm nghìn người khác cũng đang cố gắng chạy trốn, bà Lee và con gái mất dấu chồng và con trai Sang Chol.

Họ tiếp tục đi về phía nam, hòa vào dòng người tị nạn vượt qua khu vực ngày nay đã trở thành khu phi quân sự. Mãi đến sau đó, bà mới phát hiện ra rằng chồng và con trai bà vẫn ở phía bên kia của đường phân chia, tức Triều Tiên ngày nay.

Họ nằm trong số hàng chục nghìn người trên bán đảo Triều Tiên mà gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh.

Bà Lee, giờ đã 92 tuổi, là một trong số ít người may mắn được lựa chọn để tham gia chương trình đoàn tụ gia đình do chính phủ tổ chức.

Vào ngày 20/8, cuộc hội ngộ đầu tiên trong 3 năm qua sẽ diễn ra tại núi Kumgang ở Triều Tiên. Sự kiện là một nội dung trong thỏa thuận lịch sử được ký kết bởi các lãnh đạo của hai miền Triều Tiên hồi tháng 4. Khoảng 57.000 người đủ điều kiện tham gia. Trong số đó, 0,16%, tức chỉ 93 người, được chọn.

Bà Lee Keum Seom trả lời báo chí tại khách sạn ở Sokcho, Hàn Quốc, nơi bà đến để chuẩn bị cho ngày đoàn tụ 20/8. Ảnh: Reuters.

Những người còn lại tiếp tục chờ đợi, đối mặt với viễn cảnh của việc không bao giờ được gặp lại người thân. Hơn 75.000 người đã chết mà không chờ được ngày đoàn tụ.

"Khi tôi đến miền Nam, tôi nhận ra rằng tôi sẽ không được nhìn thấy họ khi họ còn sống nữa", bà Lee, nay 92 tuổi, nói về chồng và con trai. "Tôi tự bảo mình rằng cuộc chiến cần phải kết thúc để chúng tôi gặp nhau. Tôi đã từ bỏ việc gặp lại họ".

Chiến tranh ập đến và chuyến đi về phía nam

Bà Lee lớn lên ở tỉnh South Hamgyong, bây giờ thuộc Triều Tiên, nơi bà kết hôn và sinh hai con trai. Đứa đầu tiên mất khi còn nhỏ, nhưng đứa thứ hai sống sót, bà và chồng đặt tên con là Sang Chol.

Bà Lee sống tại nhà chồng ở huyện Kapsan khi cuộc chiến nổ ra trên bán đảo Triều Tiên vào ngày 25/6/1950, sau nhiều tháng căng thẳng leo thang giữa miền Nam do Mỹ chiếm đóng và miền Bắc được Liên Xô hậu thuẫn.

Ngôi nhà của họ ở vùng nông thôn hẻo lánh và ít khi tin tức đến cửa, nhưng những người tị nạn chạy trốn chiến trận đã kể với Lee và nhà chồng bà về những gì xảy ra.

"Họ đến từ đâu tận sâu trong núi", bà nói. "Khi rời đi, họ nói với chúng tôi rằng họ đang chạy trốn và chúng tôi cũng nên làm như vậy".

Gia đình bà đóng gói thức ăn và đồ dùng, họ chất mọi thứ lên một chiếc xe bò và đi về phía nam.

"Chúng tôi đã không quay trở lại được ngôi nhà của chúng tôi. Chúng tôi chạy trốn với những bộ quần áo chúng tôi mặc trong chuyến đi. Chúng tôi cứ thế đi bộ", bà kể. "Tôi cần cho con bú sữa mẹ. Nhưng có rất nhiều người trên đường và trong những ngôi nhà ven đường nên không có chỗ để làm việc đó".

Để có thể cho con bú, bà Lee băng qua một dòng suối nhỏ với đứa con gái mới sinh, để chồng chăm sóc Sang Chol.

Khi bà quay trở lại, cả hai đã biến mất. Bà Lee đi cả ngày nhưng không thể tìm thấy họ, cảm thấy đau khổ tột độ. Song bà vẫn quyết tâm tiếp tục tìm kiếm.

"Tôi tiếp tục. Tôi nghĩ anh ấy phải đi hết đường", bà nói. "Tôi không dừng lại để ngủ hay ăn mà cứ thế đi".

Cuối cùng, bà gặp được anh rể, người nói với bà rằng họ cũng đang tìm kiếm bà. Chồng của Lee đã quay trở lại để cố tìm bà nhưng họ đã không nhìn thấy nhau giữa dòng người tị nạn trên đường.

Bà không bao giờ được gặp lại chồng hoặc con trai nữa.

"Tôi khóc suốt một năm"

Khi bà Lee và gia đình chồng bà tiếp tục đi về phía nam, bà vẫn hy vọng rằng chồng và Sang Chol sẽ bắt kịp họ.

Song không phải, thứ bắt kịp họ là chiến trận. Một đêm nọ, khi họ đang trú ẩn trong một căn nhà bỏ hoang, bà bị đánh thức bởi tiếng đạn.

"Chúng tôi đang ở một nơi tồi tệ", bà nói. "Tất cả chúng tôi nằm xuống và ở yên đó".

Không thể ngủ được, bà nằm trong bóng tối và lắng nghe chiến trận, mắt bà nhắm chặt. Cuối cùng, có thông báo rằng trận chiến đã dừng lại và dân thường có thể lên một chuyến tàu đi về phía nam.

Chuyến tàu ken đặc người tị nạn. Bà Lee và người thân ném hành lý của mình lên mái toa tàu phủ đầy tuyết và leo lên tàu. Họ đi tàu xuyên đêm đến một cảng, nơi họ được bảo phải lên một chiếc phà đi đến đảo Geoje.

Trong tình trạng hỗn loạn, bà Lee lại bị tách khỏi nhà chồng một lần nữa, và phải một mình đến Geoje.

"Tôi bồng con", bà nói. "Tôi tìm thấy một bức tường và nằm ôm con ngủ ở chân tường".

Phải mất một tuần họ mới đoàn tụ được với một số người trong gia đình chồng, những người cũng đã lên phà.

Khi mới đến Geoje, họ được cung cấp một ít nhu yếu phẩm như theo chương trình giúp tái định cư người tị nạn trên đảo của chính phủ Hàn Quốc, nhưng phần lớn, họ sống phụ thuộc vào sự tốt bụng của người dân địa phương, dù những người này cũng không mấy dư dả.

Bà Lee ngóng đợi chồng và con trai suốt nhiều ngày, tự hỏi điều gì đã xảy ra với họ và tưởng tượng điều tồi tệ nhất.

"Sau khi thức dậy, tôi sẽ bồng con gái ra đồng và ngồi trên một tảng đá. Đó là chỗ của tôi. Và tôi sẽ khóc", bà Lee kể. "Tôi đã khóc trong suốt một năm".

Thời gian trôi qua, bà Lee từ bỏ việc gặp lại chồng và con trai. Bà tái hôn với một người đàn ông cũng lạc mất vợ và chạy trốn về phía nam cùng các cô con gái của ông. Những cô bé được bà Lee nuôi nấng như chính con ruột của mình. Dần dần, Lee nhận thấy bà có thể nhớ rất ít về Sang Chol, chỉ nhớ con trai là một cậu bé ngoan, không bao giờ phàn nàn.

Sang Chol giờ đây 72 tuổi. Sau khi nhận ra rằng cha và ông đã lạc mất mẹ ông trên con đường hỗn loạn, cha ông đưa ông trở về làng của họ để tìm kiếm. Cuộc sống của ông ở Triều Tiên từ đó gần như không được biết đến.

Sau 68 năm, mẹ ông, bà Lee, sắp sửa biết được con mình đã sống thế nào.

Bà nói bà cảm thấy tê liệt khi biết rằng bà đã được chọn tham gia cuộc đoàn tụ gia đình hôm 20/8.

"Ban đầu tôi không thể nghĩ ngợi được bất cứ điều gì. Tôi không thể tin rằng tôi sẽ được gặp lại con trai mình", bà nói. "Có thể ôm đứa con trai giờ đã hơn 70 tuổi của tôi không?".

Sau chiến tranh, Hàn Quốc và Triều Tiên được phân định bởi đường giới tuyến nằm chính giữa khu phi quân sự (DMZ) cho đến nay.

"Chúng tôi sẽ nhận ra nhau"

Hầu hết gia đình bị chia cắt bởi Chiến tranh Triều Tiên chỉ còn giữ được những ký ức mơ hồ về thân nhân mình cùng kết nối lịch sử và huyết thống. Nhưng nỗi đau chia ly luôn còn đó, cũng như ước muốn đoàn tụ.

Hahm Seong Chan cũng là một trong số 93 người được gặp lại người thân của vào ngày 20/8.

Anh trai ông khoảng 6 tuổi khi họ gặp nhau lần cuối. Sau đó, họ lớn lên ở những đất nước vô cùng khác nhau, khi ông Hahm thậm chí làm việc cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, lực lượng vẫn vẫn còn bị căm ghét tại Triều Tiên vì chiến dịch ném bom tàn bạo mà họ tiến hành trong chiến tranh.

"Tôi thường nghĩ rằng sẽ rất tuyệt nếu tôi có thể gặp các anh em của mình chỉ một lần trước khi chết", ông nói. "Khi tôi nhận được cú điện thoại từ Hội Chữ thập đỏ thông báo rằng tôi đã lọt vào nhóm 500 người đầu tiên trong số hơn 50.000 ứng viên, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ được vào danh sách cuối cùng".

Người đàn ông 86 tuổi nói với CNN rằng ông không mong nhận ra người anh của mình, người mà ông đã không còn nhớ gì nhiều ngoài sự trầm tính và và tốt bụng, không giống một người anh khác luôn gây gổ với ông.

"Có lẽ chúng tôi sẽ có thể nhận ra nhau vì chúng tôi cùng một dòng máu", ông nói thêm. "Ngay cả khi anh ấy không nhớ tôi anh ấy phải nhớ tên tôi, 'Hahm Seong Chan'. Tôi rất hồi hộp khi nghĩ về khoảnh khắc đó".

Những người được đoàn tụ với người thân vào tháng 11/2010. Ảnh: Reuters.

Những người đón trung thu ở biên giới

Đối với nhiều gia đình ly tán khác, một cuộc gọi điện thoại xác nhận việc sẽ được đoàn tụ với người thân vẫn chưa xuất hiện.

Ông Jung Kea Hyun, 85 tuổi, đã 21 lần đăng ký chương trình để có thể gặp lại các anh em của mình, những người mà ông đã lạc mất trong chiến tranh.

"Tôi tha thiết nhìn thấy họ một lần nữa. Người ta được gặp lại gia đình và họ khóc hết nước mắt", ông nói với CNN. "Tôi cũng khóc rất nhiều".

Trong khi các bài viết về các cuộc đoàn tụ chắc chắn tập trung vào một số ít người may mắn được lựa chọn, tình cảnh của ông Jung là thực tế của đại đa số người đã đăng ký.

"Bạn cần phải trải nghiệm để hiểu chuyện đó. Bạn có thể nói chuyện với tôi và nghe câu chuyện, nhưng bạn đã bao giờ bị tách khỏi gia đình mình chưa? Hãy tưởng tượng bạn không nhìn thấy họ trong 65, 70 năm", ông Jung nói.

Ông Jung Kea Hyun, 85 tuổi, đã 21 lần đăng ký chương trình để có thể gặp lại các anh em của mình . Ảnh: CNN.

Ông thậm chí phải rất vất vả để giải thích nỗi đau ấy cho chính vợ mình, một người gốc Seoul không trải qua cuộc chiến theo cùng cách với ông: "Nếu bà ấy đến từ miền Bắc, tôi có thể nói chuyện với bà ấy về chuyện đó. Nhưng điều này là vô nghĩa vì bà ấy sẽ không hiểu được. Bà ấy sẽ không biết tôi cảm thấy thế nào".

Hàng năm, người Hàn Quốc về quê đoàn tụ với người thân và cúng bái tổ tiên trong Tết Trung thu "Chuseok". Đối với ông Jung và nhiều người khác, dịp hạnh phúc này là một nỗi đau khác - ông không thể trở về thị trấn nơi ông sinh ra, và người thân của ông ở phía bên kia khu phi quân sự có lẽ cũng là một thế giới xa xôi.

Năm nay, như ông đã làm trong nhiều thập kỷ, ông Jung sẽ đi đến nơi gần nhất có thể với quê hương, đến một ngôi đền ở làng Bàn Môn Điếm tại khu phi quân sự để thực hiện các nghi thức truyền thống.

"Bị chia cắt với với gia đình là điều gì đó không thể tưởng tượng", ông nói. "Những gì tôi muốn không phải là một cuộc gặp một lần. Tôi muốn biết ai vẫn còn sống sót. Chỉ cần biết nếu họ vẫn còn sống. Hoặc thậm chí chỉ cần có thể gửi thư qua lại".

Hàng trăm nghìn người đăng ký đoàn tụ nhưng chỉ vài chục người được lựa chọn. Ảnh: Reuters.

Với nhiều gia đình ở cả hai bên biên giới, thời gian đã hết.

Hơn 75.000 ứng viên đã chết kể từ khi Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc và đài truyền hình nhà nước KBS khởi động chương trình đoàn tụ gia đình ly tán vào những năm 1980.

Một loạt cuộc đoàn tụ diễn ra vào những năm 2000, khi quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng được cải thiện, nhưng sau đó là sự im ắng kéo dài khi căng thẳng gia tăng trở lại.

Cuộc đoàn tụ gần đây nhất diễn ra vào năm 2015. Nay đã già yếu, nhiều người lo sợ họ sẽ không bao giờ được đưa vào danh sách để gặp lại người thân, và ngay cả khi họ được chọn, họ sẽ quá yếu để có thể thực hiện cuộc hành trình về phía bắc.

"Những con số được chọn sẽ rất nhỏ", Park Kyung Seo, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc, đơn vị tổ chức các cuộc đoàn tụ, nói.

"Tôi hoàn toàn chia sẻ về sự thất vọng của những người không được lựa chọn, vì vậy tôi đang cố gắng tìm các giải pháp khác cùng với phía Triều Tiên, số lượng lớn đang chờ đợi".

"Hãy tưởng tượng 73 năm mà không biết liệu các thành viên gia đình vẫn còn sống hay đã qua đời - không có tin tức gì cả", ông Park nói. "Sự đau đớn và giận dữ, đó là một bi kịch con người không thể tưởng tượng nổi".

Những người từng được chọn nghiễm nhiên sẽ bị bỏ khỏi danh sách lựa chọn cho những lần sau, nó đồng nghĩa với việc lần đoàn tụ sắp tới của bà Lee, ông Hahm cũng là lần cuối cùng họ được nhìn thấy thân nhân.

Đây là thực tế của sự phân chia vẫn đang diễn ra trên bán đảo, một sự phân chia ảnh ảnh hưởng đến những người dân bình thường hơn bất cứ ai khác.

Đoàn xe chở những người Hàn Quốc hướng về núi Kumgang để đoàn tụ với người thân ở Triều Tiên vào năm 2015. Ảnh: Reuters.

"Ngay cả sau chiến tranh, tình trạng phân chia đã khiến những nỗi sợ thời chiến bắt rễ trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết tuần trước khi đất nước kỷ niệm 73 năm chấm dứt sự đô hộ của Nhật Bản.

Vào tháng 9, ông Moon sẽ tới Bình Nhưỡng, nơi ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực "hướng tới tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và ký kết hiệp ước hòa bình".

Các gia đình ly tán bởi cuộc chiến đó, ở cả hai bên biên giới, sẽ lại mong ngóng tin tức của cuộc gặp, nhưng họ đã chờ đợi một cuộc đoàn tụ trong nhiều thập niên qua.

Theo Zing.vn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/bon-phuong/doan-tu-han-trieu-nguoi-me-92-tuoi-cho-om-con-trai-68-nam-khong-gap-2018082009345672.htm