Đoàn Thanh Xuyên – 'Thanh gươm' sáng mãi

Trung đoàn 12, còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), đã trải qua những năm tháng công tác, chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt, từ nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não của Trung ương đến truy lùng biệt kích, thám báo, tiêu diệt thổ phỉ, chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. 65 năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đoàn Thanh Xuyên đã viết nên truyền thống 'Trung kiên, dũng cảm, luyện giỏi, đánh thắng' gắn liền với nhiều chiến công hiển hách.

Các cựu chiến binh Đoàn Thanh Xuyên tới thăm, tặng quà Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang. Ảnh: Lê Minh

Các cựu chiến binh Đoàn Thanh Xuyên tới thăm, tặng quà Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang. Ảnh: Lê Minh

Trung tuần tháng 8-1954, tại làng Yên Dục, xã Thuận Hòa, Quốc Oai, Sơn Tây (nay là xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội), Tiểu đoàn 12 được thành lập, nằm trong đội hình Trung đoàn 600, do đồng chí Nguyễn Chí Địch làm Chính trị viên, kiêm Tiểu đoàn trưởng. Sau khi ổn định biên chế tổ chức, ngày 23-9-1954, Tiểu đoàn 12 hành quân lên Sơn Tây làm nhiệm vụ đưa đón, bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ từ an toàn khu về Hà Nội.

Lập nhiều chiến công vang dội

Ôn lại lịch sử, Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, Trưởng ban Liên lạc Đoàn Thanh Xuyên cho biết: “Những ngày đầu mới thành lập, CBCS Tiểu đoàn 12 đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, các đoàn ngoại giao và kịp thời trấn áp nhiều vụ gây rối trị an, làm thất bại âm mưu phá hoại của địch. Ngoài ra, CBCS của tiểu đoàn còn tham gia làm đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất và đào ao cá Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch hiện nay. Bác Hồ nhiều lần tới thăm, căn dặn CBCS và đặt tên cho Tiểu đoàn 12 là “Đoàn Thanh Xuyên” với ý nghĩa như một thanh gươm báu, thường xuyên được mài dũa, sẵn sàng hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó”.

Ngày 3-3-1959, lực lượng CANDVT (nay là BĐBP) được thành lập. Trung đoàn 600 được chuyển sang lực lượng CANDVT, Đoàn Thanh Xuyên được tách ra trực thuộc Bộ Tư lệnh thành đơn vị cơ động chiến đấu duy nhất. Từ đó, ngoài nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, đón và bảo vệ các đoàn khách nước ngoài, CBCS Đoàn Thanh Xuyên đã có mặt ở mọi miền đất nước tiểu phỉ, truy lùng gián điệp, biệt kích, đưa đón, bảo vệ Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ nhất ...

Từ năm 1959 đến năm 1964, Đoàn Thanh Xuyên phối hợp với đơn vị bạn và lực lượng địa phương tham gia hàng chục trận chiến đấu, bắt sống 75 tên gián điệp, biệt kích và thổ phỉ; vận động được 234 tên thổ phỉ ra hàng, thu hồi 32 súng các loại, 5 ra-đi-ô, 4 điện đài và nhiều quân trang, quân dụng. Tiêu biểu là truy tận cùng hang ổ của bọn phỉ ở Đồng Văn (Hà Giang), bắt gọn toán biệt kích “Gió lốc” xuống Mộc Châu, Sơn La; toán biệt kích Tưởng 26 tên do Trịnh Kỳ Thiệu cầm đầu tại Quảng Ninh; dẹp phỉ xưng vua, đón vua ở Nghệ An...

Từ năm 1968, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, để giúp đỡ cách mạng Lào và ổn định tình hình biên giới nước ta ở phía Tây Quân khu 4, Đoàn Thanh Xuyên nhận nhiệm vụ đi phối thuộc chiến đấu với CANDVT tỉnh Nghệ An tiêu diệt các toán gián điệp, biệt kích, phỉ Vàng Pao đang hoạt động trên khu vực biên giới Việt – Lào (chiến trường K5).

Trong ký ức cựu binh Đỗ Văn Pệch, những ngày chiến đấu ở chiến trường K5 vô cùng gian khổ, thiếu thốn, nhưng tinh thần của những người lính Thanh Xuyên không hề nao núng mà rất anh dũng, kiên cường. Chỉ tính trong 2 năm 1969 và 1970, Đoàn Thanh Xuyên đã phối hợp với các đơn vị bạn đánh gần 20 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 109 tên địch, bắt sống 5 tên khác, gọi hàng 78 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị của địch, giải phóng được 30 bản với hơn 3.000 dân nằm sâu trong đất bạn Lào.

Sáng mãi phẩm chất anh dũng, kiên trung

Ngày 4-2-1978, Bộ Tư lệnh CANDVT quyết định nâng tổ chức Tiểu đoàn 12 thành Trung đoàn 12. Đoàn Thanh Xuyên bước vào thời kỳ chiến đấu mới góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Ngay sau ngày thành lập, Trung đoàn 12 hành quân lên Cao Lạng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 25-8-1978, Lê Đình Chinh, người chiến sĩ ưu tú của Trung đoàn 12 đã lập công xuất sắc và anh dũng hi sinh tại cửa khẩu Hữu Nghị phất ngọn cờ đầu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Tấm gương đó đã thôi thúc tuổi trẻ cả nước sục sôi hưởng ứng phong trào “Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh”.

Trong những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, CBCS Đoàn Thanh Xuyên đã kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Ở điểm cao 583 (chốt Pò Pùn, Léo Cao), 23 chiến sĩ Trung đội 8 dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Huy Liệu đã bình tĩnh bẻ gãy 7 đợt tiến công của đối phương trong vòng 6 giờ liền. Trung sĩ Đỗ Đình Dũng, chiến đấu liên tục suốt ngày 17-2, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của đối phương, tối đến lại cùng đồng đội đưa 3 đồng chí bị thương luồn rừng tìm về đơn vị. Với ý chí quyết tâm cao, qua 5 đêm 4 ngày nhịn đói, nhịn khát, Trung sĩ Dũng đã đưa được thương binh về đơn vị an toàn. Đại đội trưởng Đại đội 3 Nguyễn Công Thuận mưu trí, táo bạo, dũng cảm vừa chỉ huy đơn vị, vừa tham gia chiến đấu, dù bị thương nặng nhưng vẫn không rời trận địa, cùng đồng đội bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch.

Ngày 17-2, trong tình thế bị bao vây, cả trận địa chỉ còn khoảng 1 trung đội, nhưng dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đại đội 2 Nguyễn Đình Thuần và Chính trị viên Trần Đức Thịnh, đã đánh lui 5 đợt tiến công của quân xâm lược từ bên kia biên giới tràn sang. Những tấm gương chiến đấu đó đã tô thắm thêm khí phách anh hùng của CBCS Đoàn Thanh Xuyên.

Chấp hành Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, ngày 26-4-1980, Trung đoàn 12 được điều chuyển về Quân khu Thủ đô, nằm trong đội hình Sư đoàn 301 và chuyển phiên hiệu từ Trung đoàn 12 thành Trung đoàn bộ binh 692 là đơn vị chủ lực cơ động chiến đấu của Lực lượng vũ trang Thủ đô.

Trong hành trình 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đầy gian khổ, hy sinh của Đoàn Thanh Xuyên, có biết bao những tấm gương “chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, vượt qua muôn vàn khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tiêu biểu như: Đào Mạnh Tấn, Lưu Xuân Sách, Đỗ Xuân Vạn, Trần Văn Hoành, Nguyễn Văn Thông, Lê Đình Chinh, Trần Chung, Triệu Toàn Tăng, Trần Đức Thịnh... Nhiều người con ưu tú của Đoàn Thanh Xuyên đã chiến đấu anh dũng và yên nghỉ trên những đỉnh núi cao, trong những cánh rừng già để cho dải biên cương đất nước được bình yên. Họ là những tấm gương sáng mãi với thời gian.

Đoàn Thanh Xuyên có 3 cán bộ chiến sĩ được tuyên dương anh hùng, gồm: Liệt sĩ Lê Đình Chinh, liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần và đồng chí Nguyễn Công Thuận; được Đảng, Nhà nước trao tặng 156 huân chương các loại cho tập thể và cá nhân; 4 lần vinh dự được đón nhận lẵng hoa Bác Hồ, Bác Tôn tặng; nhiều năm liền được nhận Cờ thi đua Quyết thắng và đơn vị huấn luyện giỏi của Bộ Quốc phòng; Cờ “Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doan-thanh-xuyen-thanh-guom-sang-mai/