ĐOÀN LÊ HOÀNG TÂN và ĐAM MÊ NANO XỐP

Ngay từ những năm ngồi trên giảng đường, Đoàn Lê Hoàng Tân đã say mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là hướng nghiên cứu tổng hợp các chất hữu cơ.

"Lúc bước chân vào cổng trường đại học, tôi chỉ nghĩ đơn giản học để ra trường có việc làm ổn định. Nhưng rồi tôi nhận ra đam mê của mình là nghiên cứu, sáng tạo để tìm tòi cái mới" - Tân chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học loại giỏi, chàng sinh viên sinh ra và lớn lên tại TP HCM này được chọn tham gia khóa đào tạo tiến sĩ đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo về vật liệu khung hữu cơ kim loại giữa Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học California, Los Angeles - Mỹ. Khóa này có 10 nghiên cứu sinh nhưng chỉ 3 người đeo bám hết chương trình và tốt nghiệp vào năm 2017.

Tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân cùng đồng nghiệp

Tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân cùng đồng nghiệp

Đầu năm 2019, anh về nước và xây dựng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia TP HCM. Hướng đi của nhóm là nghiên cứu chế tạo hạt nano xốp phân hủy sinh học, làm vật mang và dẫn truyền chất kháng ung thư đến khối u một cách chính xác, có kiểm soát, hạn chế hoàn toàn tác dụng phụ và tăng hiệu quả dược chất.

Theo tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân, trong điều trị ung thư, khi đưa dược chất kháng ung thư vào cơ thể, ngoài tế bào ung thư, các dược chất điều trị còn có thể ảnh hưởng đến những tế bào thường, khiến chúng bị yếu hoặc chết, dẫn đến các tác dụng phụ và ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe bệnh nhân. Ngoài ra, một số dược chất chống ung thư có tính kỵ nước nên không thể tiêm trực tiếp vào cơ thể bệnh nhân trong quá trình điều trị.

"Nghiên cứu của chúng tôi phát triển theo 4 bước: Tải dược chất trực tiếp lên hạt nano; dẫn truyền hạt nano mang dược chất đến đúng tế bào ung thư; giải phóng dược chất một cách có điều kiện; hoàn thành nhiệm vụ, hạt nano tự phân hủy" - tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân chia sẻ.

Theo anh, hiện trên thế giới chỉ dừng ở bước thứ 3, còn nhóm nghiên cứu đã phát triển sang bước thứ 4 là sau khi hoàn thành giải phóng dược chất, hạt nano sẽ tự phân hủy, không còn tồn đọng trong cơ thể. Đây là đặc tính quan trọng của thế hệ mang chất mới khi hạn chế khả năng tích tụ sinh học của chất mang thuốc trong cơ thể. Nhờ đó, các hạt nano giúp tăng hiệu quả điều trị của dược chất, giảm chi phí điều trị ung thư và hạn chế hoàn toàn các tác dụng phụ trong quá trình chữa bệnh bằng phương pháp hóa trị và xạ trị.

Tuy nhiên, tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân khẳng định từ nghiên cứu ra thực tế rất khó vì cần thời gian và kinh phí. "Nếu được đầu tư, tôi tin đề tài sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị ung thư khi dược chất được vận chuyển "trúng đích, đúng khối u và tế bào ung thư" - tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân trăn trở.

Sau gần 10 năm bắt tay vào nghiên cứu khoa học, Đoàn Lê Hoàng Tân đã có hơn 40 bài báo và công trình nghiên cứu khoa học. "Ở nước ngoài, khi nghiên cứu một đề tài nào đó thì dĩ nhiên tên tác giả là mình nhưng chủ sở hữu công trình là trường đại học. Tôi quyết định trở về Việt Nam nghiên cứu, dù có khó khăn hơn một chút nhưng vẫn vui vì đã đóng góp cho đất nước cũng như khẳng định uy tín, chất lượng nghiên cứu của Việt Nam trên bản đồ thế giới" - anh chia sẻ.

TP HCM đang triển khai các bước để tiến tới xây dựng đô thị thông minh, trong đó công nghệ vật liệu cũng là lĩnh vực được quan tâm phát triển. Vấn đề mà anh Tân vẫn luôn trăn trở là chưa có nhiều cơ hội để giới thiệu nghiên cứu của mình đến với doanh nghiệp.

"Đôi khi các doanh nghiệp cũng gặp nhiều vấn đề cần nhà nghiên cứu tư vấn. Trong khi các nhà nghiên cứu cũng có nhiều sản phẩm, ý tưởng nhưng 2 bên chưa gặp được nhau. Vì vậy, thành phố cần có nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị hơn nữa để doanh nghiệp và nhà nghiên cứu có thể trao đổi, hợp tác" - tiến sĩ Tân mong muốn.

Bên cạnh đam mê nghiên cứu, Đoàn Lê Hoàng Tân còn là một người thầy hết lòng vì sinh viên. Theo anh, để sinh viên có hứng thú và say mê nghiên cứu thì giảng viên phải là những người truyền cảm hứng đó. "Nghiên cứu khoa học rất cần kỹ năng và kỹ năng phải được rèn luyện từ ghế nhà trường. Khi giảng dạy hay làm việc cùng sinh viên, tôi luôn chỉ ra cái hay trong công trình của các em, tạo động lực, hướng các em trở thành những nhà nghiên cứu" - anh Tân bày tỏ.

Bốn năm làm việc cùng tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân, nghiên cứu viên Mai Ngọc Xuân Đạt nhận xét: "Anh Tân là người rất nhiệt huyết, vững chuyên môn. Trong quá trình làm việc chung, anh luôn giúp đỡ chúng tôi những lúc khó khăn. Đó là cơ hội để chúng tôi có thể cho ra đời những công trình có ích cho xã hội".

"34 tuổi, tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử Đại học Quốc gia TP HCM - một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020. Anh từng đoạt giải thưởng Quả cầu vàng với nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.

Bài và ảnh: LINH NHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/doan-le-hoang-tan-va-dam-me-nano-xop-20210428222418991.htm