Đoản khúc Buôn Đôn

Nghe nhiều chuyện kể về Bản Đôn (Buôn Đôn- Đak Lăk), tôi thấy lạ và nóng lòng muốn biết thực hư. Nhưng khi về tới nơi này, tôi vỡ lẽ những điều mình biết được cũng chỉ còn lơ mơ lắm. Cách hơn trăm năm trước Bản Đôn chính là một trung tâm giao thương sầm uất của biên giới ba nước Việt - Lào - Miên. Nay Bản Đôn còn đông vui hơn.

Chuyện nhà cổ và những người săn voi

Trong chuyến điền dã về Buôn Đôn, thật may tôi gặp được anh Đàm Văn Thăng hướng dẫn du lịch thuộc Công ty du lịch Biệt Điện (tại Buôn Đôn). Tôi hỏi lắt nhắt mọi thứ và anh nói khá chi tiết từng chuyện. Thật thú vị! Tỉ như cái chuyện ngôi nhà cổ hơn 100 năm ở ngay Bản Đôn chẳng hạn nhiều người nhầm tưởng là nhà sàn cổ Tây nguyên.

Thực ra không phải mà đây là một nhà sàn theo đúng mẫu chùa tháp của người Lào-Thái và do chính ông Vi Vông Khăm Sao (người Lào) thiết kế và tổ chức thi công. Ngôi nhà được khởi móng từ 7/10/1883 và làm đến tháng 4/1885 mới xong.

Ngôi nhà sàn đặc biệt này đều bằng gỗ, kể cả mái cũng được đục tạo hình các viên ngói. Những người thợ đã phải vào rừng tìm cho được ba loại gỗ quý và bền như Hương, Cam xe, Ca chít để dựng nhà.

Voi buôn Đôn dạo chơi với khách.

Voi buôn Đôn dạo chơi với khách.

Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là một thương gia người Lào. Ông N'Thu K'nut (còn gọi là Y Thu), người được phong danh hiệu "Vua voi", đã mua lại với giá 10 con voi thời đó. Sau này ông Ama Kông (1909-2012) cháu ba đời của Y Thu được thừa kế ngôi nhà. Khi ngôi nhà cổ này trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa của Bản Đôn ông Ama Kông để lại cho người con gái trông nom và ra ngoài xóm ở và kinh doanh rượu thuốc.

Điều thú vị là những chủ nhân ngôi nhà cổ này đều được tôn vinh là vua săn voi. Vua voi Y Thu người M'nông thọ 110 tuổi (1828 - 1938) săn bắt và thuần dưỡng được 170 con voi rừng. Ông truyền lại cho người cháu là R'teo K'nul kế tục sự nghiệp vua voi. K'nul cũng săn bắt tới vài trăm con voi và được xây dựng mộ bên cạnh Y Thu.

Trong khu mộ vua voi cũ có hai mộ là vì vậy. Còn đến đời Ama Kông cũng được ghi nhận ông săn bắt tới 298 con voi. Ngẫm thấy vô lý mặc dù ở đây có rừng sinh thái Yok Đôn lớn nhất nước ta cũng không thể nhiều voi đến thế. Nghe tôi thắc mắc anh Thăng nhoẻn cười gật đầu công nhận săn hàng trăm con voi như vậy chỉ là huyền thoại. Anh còn cho biết Nhà nước đã có lệnh cấm săn bắt voi rừng nên ngay ở vài ba huyện quanh Buôn Đôn cũng chả còn mấy nhà nuôi được voi nữa. Hiện chỉ còn mươi nhà có voi hợp tác làm dịch vụ cho khách cùng với Công ty du lịch tại Bản Đôn.

Rượu tình và mùa con ong lấy mật

Nói đến Bản Đôn là người ta thường nhắc tới rượu A ma Kông. Nó được coi là thần dược tạo mãnh lực cho đấng mày râu. Khi quảng cáo người ta cố nhấn đến cái chuyện ở tuổi 75 Ama Kông còn cưới vợ trẻ thứ tư mà vẫn đẻ được con trai. Họ khẳng định Ama Kông hồi còn 100 tuổi mà vẫn rắn chắc chỉ vì thường xuyên uống rượu ngâm "gỗ" mà ông tự chế.

Anh Thăng kể ông đã phát hiện ra bài thuốc này từ những sinh hoạt của các con voi rừng. Ama Kông để ý thấy mỗi khi voi bị ốm mệt hoặc bị thương chúng hay ăn một thứ lá và nhai một loại cây để tự chữa cho mình. Ông bèn kiếm cả thân, lá và rễ cây đó về ngâm rượu uống. Càng ngày ông càng khỏe mạnh và có chuyện dư sức lấy cô vợ thứ tư trẻ tuổi là vì vậy.

Khi đi đọc đường bản các hàng quán đều bày bán thang thuốc này với nhiều loại giá khác nhau. Tình cờ tôi gặp mẹ của cô Xáo Nàng Thơ (người Lào) chủ quán bún cá ở Bản Đôn, bà kể: thực ra đây là bài thuốc lâu đời của dân tộc Êđê mà ai cũng biết. Tôi tò mò hỏi về chuyện "ấy" có đúng như lời đồn đại bà đỏ mặt cười phá lên:

- Uống thì biết thôi!

Tôi quay sang hỏi Thăng. Anh chỉ ngay sang một ngôi nhà người Lào ở bên kia đường nói:

- Gia đình kia đẻ 15 người con đó, họ uống rượu Ama Kông đấy!

- Thật vậy a!?

Tôi hết sức ngạc nhiên. Hôm sau tôi kiểm chứng đúng là gia đình ấy có 15 người con thật. Chủ nhà là một người phụ nữ cao lớn phốp pháp. Nhưng đây có phải là kết quả của rượu Ama Kông thì có mà trời biết.

Hôm sau có dịp quay lại hàng bún cá tôi hỏi cô Xáo Nàng Thơ xem có nhớ bài hát "Tháng ba Tây Nguyên" không. Mặc dù mới nghỉ học dở chừng phổ thông trung học nhưng Xáo Nàng Thơ lắc đầu vì chưa nghĩ ra. Tôi lẩm nhẩm mấy câu trong bài hát: "Tháng ba người Tây Nguyên chan chứa tình. Con tim xao xuyến đôi môi hé cười. Tháng ba mùa núi rừng sôi sục.

Tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên. Ôi! Tháng ba tô thắm cuộc đời" (Thơ Thân Như Thơ - nhạc Văn Thắng). Xáo Nàng Thơ bất ngờ vỗ tay reo lên rồi hát theo: "Tháng ba mùa con ong đi lấy mật. Mùa con voi xuống sông hút nước…".

Thì ra bài hát này thật khó quên trong lòng người Tây Nguyên bất cứ ở nơi đâu. Xáo Nàng Thơ ở tuổi mười lăm hồn nhiên và trong sáng làm sao. Một lúc sau có mấy cô bé ríu rít chạy tới xúm quanh Thơ bàn tán về ngày lễ cúng bến nước và hội đua voi của những người Êđê, M'nông, Giarai.

Trước mắt tôi cảnh tượng lễ hội như hiện về với tháng ba mùa hoa cà phê nở trắng những vạt đồi. Những con voi thủng thẳng chuẩn bị vào cuộc đua với những con số hoa vẽ trên mình. Những chàng trai (Nài Voi) ngỡ như vào một cuộc đua sôi nổi nhất trong đời mình. Mấy chú voi vội chạy ào xuống dòng sông Sê Rê Pôk đang cuồn cuộn chảy. Dường như các Nài Voi không lấy thắng thua làm chính mà chỉ coi đây là một cuộc chơi vào ngày hội vượt sông Sê Rê Pok. Đó là những chú voi đến từ các huyện Lăk, Krông Bông, Ea Súp cùng đua với các chú voi ở Buôn Đôn.

Đua voi ở Bản Đôn.

Khi tiếng chiêng vang lên các chú voi rùng rùng chạy và lội ào xuống sông. Có chú rống lên vui thú. Lại có chú dừng chân hít nước rồi ngỏng vòi thổi phì phì lên trời và chẳng coi cuộc thi là gì nữa. Chúng đùa vui băng băng vượt sông. Hơn hai chục chú voi tạo nên một không khí tưng bừng trên sóng nước cuồn cuộn trôi. Đội cồng chiêng rộn rã cuồng nhiệt không kém. Tất cả các chàng trai vừa nhảy vừa gõ chiêng thật náo nức, ai nấy không biết mệt.

Cánh rừng rung lên trong gió lộng và những âm thanh cồng chiêng ngân vang. Một dòng thác âm thanh trôi mải miết trên dòng sông Sê Rê Pôk. Những chàng trai Tây Nguyên đứng lên đầu voi múa roi và ca vang bài hát Tháng ba Tây Nguyên. Những âm hưởng ngây ngất của tháng ba đang bừng dậy.

Hẹn một mùa hoa cà phê

Hôm sau tôi chia tay Đàm Văn Thăng bằng một chuyến đi thuyền độc mộc trên hồ Ea-rông. Con thuyền trôi thật chậm trên hồ như sự lưu luyến thầm kín trong lòng tôi. Thăng chèo thuyền chở tôi lênh đênh trên sóng nước. Tôi ngỡ ngàng nhìn những bông hoa cà phê trắng muốt trôi nhẹ nhàng cùng những cánh bèo xanh mướt trên hồ.

Thấy tôi im lặng và ngắm nhìn những cô gái Êđê đang giặt trên những cầu gỗ anh Thăng mỉm cười và buông cho con thuyền tự trôi. Trước mắt tôi những vòng sóng quanh mái chèo như vẽ lên những ánh chớp vô tận hòa tan ánh sắc trong vắt của bầu trời xanh in trên mặt hồ.

Xa xa chiếc cầu thang gỗ bước lên ngôi nhà sàn dài hiện rõ phía trước. Đó cũng là hình con thuyền như đang vượt sóng. Và kia ở đầu cầu thang là hình mặt trăng đang soi vằng vặc trong những đêm mênh mang của núi rừng Tây Nguyên. Ngay ở dưới mặt trăng là hình điêu khắc bầu vú mẹ căng sữa biểu tượng cho sự sống và phát triển của Tây Nguyên.

Tâm hồn tôi xáo trộn báo điều kỳ thú về miền đất cao nguyên lộng gió này. Chia tay Bản Đôn tôi đếm từng bước như muốn níu kéo hình ảnh con thuyền độc mộc lướt nhanh trên dòng sông Sê Rê Pôk cuồng nhiệt. Tôi bỗng mơ tới một đêm trăng huyền ảo cùng đôi mắt to tròn của Xáo Nàng Thơ sẽ sánh bước trên con đường hun hút trong buôn.

Cô bé hú vang cánh rừng Khộp trên dòng sông Sê rê Pôk. Đột nhiên những câu thơ ập đến trong tôi như muốn thầm đáp lại lời hẹn ước trở về: "Tôi nhớ em bằng gió. Lồng lộng trên cao nguyên. Bạt ngàn rừng lá đỏ. Ào ạt thác đổ rền. Tôi nhớ em bằng sóng. Sê rê Pôk cuộn trôi…".

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doan-khuc-buon-don-589987/