Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Sau 3 năm triển khai, cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh' đã có sức lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua cuộc vận động, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước đổi thay, bộ mặt đô thị, nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực... từ đó củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả

Ðể cuộc vận động mang lại hiệu quả thiết thực, Mặt trận Tổ quốc tỉnh với vai trò nòng cốt đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động theo từng quý, năm; động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của cuộc vận động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để cùng hưởng ứng thực hiện.

Biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân khu phố 5, phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Ảnh: Trần Minh

Theo đó, năm 2017, tỉnh lựa chọn 2 địa phương (Cẩm Phả, Quảng Yên) làm điểm cuộc vận động, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc 14/14 địa phương lựa chọn ít nhất 2 đơn vị cấp xã, mỗi cấp xã chọn ít nhất 2 khu dân cư, thôn bản để triển khai điểm gắn với các nội dung cụ thể phù hợp với thực tiễn của địa phương. Năm 2018, cấp tỉnh nhân rộng với 8 địa phương (Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Hoành Bồ, Hải Hà và Tiên Yên), chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các địa phương (cấp huyện, cấp xã) nhân rộng thêm ít nhất là 30% trên tổng số cấp xã, cấp thôn, khu trên địa bàn. Việc triển khai chỉ đạo điểm thực hiện cuộc vận động được gắn kết hài hòa, đồng bộ với các phong trào, nhiệm vụ khác ở địa phương, thể hiện sự quyết tâm của Mặt trận Tổ quốc các cấp, tạo cơ sở cho việc thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động một cách toàn diện, làm thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Đặc biệt, để tạo hiệu ứng tích cực cho cuộc vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng, đề xuất kinh phí đảm bảo cho cuộc vận động hoạt động theo quy định hiện hành. Đồng thời thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc triển khai tại các địa phương; phối hợp với các tổ chức thành viên thống nhất hành động, phân công nhiệm vụ triển khai cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua của các hội, đoàn thể để thống nhất, triển khai đồng bộ tới các đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân.

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc cùng đại diện các đoàn thể phường Đông Triều và lực lượng trật tự đô thị TX Đông Triều vận động người dân chấp hành quy định hành lang an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Ảnh: Hoàng Giang

Trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, Mặt trận Tổ quốc 14 huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức cho 100% khu dân cư đăng ký thực hiện các nội dung của cuộc vận động với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy ban hành văn bản chỉ đạo, phối hợp với chính quyền ký kết chương trình phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phối hợp, triển khai đồng bộ ở các cấp cơ sở...

Khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng

Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, đến nay cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và mang tính thiết thực, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nhân dân quan tâm, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh riêng có của mỗi địa phương. Qua triển khai cuộc vận động đã phát huy nội lực và tinh thần tự quản của nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào dân tộc, đồng bào nghèo khó khăn, thực hiện quy chế dân chủ, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở; ngăn ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội... Tỷ lệ các khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa” hàng năm đều tăng, nhiều chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước, của tỉnh có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân được hướng dẫn và triển khai đến cơ sở, khu dân cư và lồng ghép vào nội dung của cuộc vận động, làm tăng tính thiết thực, hiệu quả của cuộc vận động.

Đồi chè kiểu mẫu của gia đình anh Nguyễn Văn Thiện, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành (Hải Hà), áp dụng công nghệ sản xuất chè VietGAP, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thanh Trường (Trung tâm TT-VH Hải Hà)

Điển hình như việc triển khai Đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp xây dựng kế hoạch cùng chính quyền tổ chức thực hiện đạt được những kết quả khả quan. Đến hết tháng 9/2018, trên địa bàn 17 xã, 54 thôn số hộ nghèo đã giảm 1.965 hộ, số hộ cận nghèo giảm 676 hộ. Cùng với đó, đã thực hiện hỗ trợ 1.118 hộ/1.337 hộ nghèo xây nhà mới, riêng Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh trong 3 năm đã phân khai 20,45 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà cho 818 hộ nghèo; hỗ trợ đầu tư bằng công trình, nguyên vật liệu trị giá trên 60 tỷ đồng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn...

Trong xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tập trung phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện với các tiêu chí xây dựng “Khu dân cư (thôn) mới kiểu mẫu”, “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn nông thôn mới kiểu mẫu”, “Hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm trong nông nghiệp theo chương trình ‘‘mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xã hội hóa các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Trong 3 năm, đã có gần 15.000 lao động nông thôn trên toàn tỉnh được đào tạo, tỷ lệ lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau đào tạo gần 60%. Cơ cấu lao động nông thôn đang chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp và tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ. Các sản phẩm chủ lực và các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp đều tăng.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn được nhân dân tập trung phát triển, giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp 20 lần so với năm 2010. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư cải thiện. Toàn tỉnh hiện đã có 50/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 45%), tăng 33 xã so với năm 2015; có 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đông Triều, Cô Tô) và 2 địa phương (TP Uông Bí và TP Cẩm Phả) đã có hồ sơ trình Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 2 năm (2017-2018), các địa phương đã thực hiện được 383 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thiện đạt chuẩn là 823/2.773 vườn, đạt 29,7%. Đời sống nhân dân khu vực nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét, nhiều hộ giàu lên từ sản xuất nông nghiệp.

Trong xây dựng đô thị văn minh, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng văn minh đô thị, thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch, chỉnh trang đô thị, lòng đường vỉa hè góp phần tạo nên cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp; tham gia hưởng ứng chương trình “Nụ cười Hạ Long”; phát triển, đa dạng hóa ngành nghề dịch vụ và sản xuất kinh doanh, xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tỷ lệ các khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hóa”, “gia đình văn hóa” hàng năm đều tăng...

Qua 3 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh đã thực sự phát huy vai trò tập hợp quần chúng nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động từ năm 2016. Cuộc vận động hướng tới mục tiêu đoàn kết toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành đồng bộ, có phân cấp từ Trung ương tới địa phương, trong đó tập trung trọng tâm là khu dân cư.

Hoài Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201811/doan-ket-xay-dung-nong-thon-moi-do-thi-van-minh-2410080/