Đoàn kết là sức mạnh của người Việt tại Ba Lan

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan Lê Thiết Hùng chia sẻ, ông tham gia công tác cộng đồng không ngoài mục đích biết ơn cả hai đất nước và mong muốn phát triển cộng đồng người Việt ổn định, uy tín, có vị thế và hội nhập sâu tại Ba Lan.

Được hình thành và phát triển từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, theo ông đâu là những điểm mạnh và nổi bật nhất của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan?

Tôi cho rằng, điểm mạnh và nổi bật nhất của cộng đồng người Việt tại Ba Lan là bà con rất đoàn kết, đều có tâm, đồng lòng trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng. Thành lập từ tháng 3/1999 với tên gọi ban đầu “Hội người Việt tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị”, đến nay Hội người Việt tại Ba Lan đã quy tụ được đông đảo bà con cùng 30 tổ chức hội đoàn và đóng vai trò nòng cốt trong tất cả các hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây.

Ông Lê Thiết Hùng (giữa) trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Ba Lan. (Ảnh: NVCC)

Một điểm mạnh nữa của cộng đồng người Việt tại Ba Lan là cộng đồng có hàm lượng trí thức cao (khoảng 30% tốt nghiệp đại học trở lên) và hầu như đều có mối quan hệ gắn bó với trong nước (từ các viện, trường đại học).

Cộng đồng người Việt đã gặp những thuận lợi và những khó khăn gì khi hội nhập ở Ba Lan, thưa ông?

Thuận lợi là nhân dân và chính quyền Ba Lan rất có cảm tình với cộng đồng người Việt Nam. Với họ, cộng đồng người Việt là cộng đồng thành đạt, an toàn, cần cù trong làm ăn, chăm lo đến học hành và hội nhập của con cái. Đặc biệt, các cháu người Việt Nam học rất giỏi, được đánh giá cao trong các trường phổ thông và đại học.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, bà con cũng gặp khó khăn như tiếng Ba Lan là ngôn ngữ rất khó. Nhiều người sống và làm việc ở đây hàng chục năm nhưng vẫn chưa giao tiếp tốt được với người bản địa. Một số bà con vẫn còn sống khép kín và khá bảo thủ trong hoạt động giao lưu văn hóa, nhất là đối với các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba.

Vậy mức độ quan tâm của cộng đồng, đặc biệt thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba với việc duy trì tiếng Việt và văn hóa truyền thống như thế nào?

Hội người Việt Nam tại Ba Lan rất quan tâm đến việc duy trì tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt cho các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba. Có thể nói, Trường tiếng Việt tại Ba Lan được thành lập sớm nhất ở châu Âu (từ cách đây 20 năm) và được phát triển mạnh như ngày nay. Những năm gần đây, ngoài vấn đề dạy tiếng Việt, văn hóa, lịch sử Việt Nam tại trường, hàng năm cộng đồng đều tổ chức

Trại Hè với chủ đề “Vui cùng tiếng Việt” cho các cháu, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia trong nước, thu hút được rất nhiều cháu tham gia. Ngoài ra, Hội còn kết hợp với các hội đoàn tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu đều đặn hàng năm.

Từ năm 2013 đến nay, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã mua đất và xây dựng được một ngôi chùa Việt, sẽ khánh thành trong thời gian tới. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh giúp bà con và các cháu nhớ về nguồn cội và giữ gìn văn hóa truyền thống.

Là một nhà trí thức đã từng học tập, sinh sống và gắn bó với Ba Lan, ông có cảm nhận gì về đất nước và con người Ba Lan?

Từ trong tâm thức, tôi vẫn coi Ba Lan là quê hương thứ hai của mình, vì gần nửa đời người tôi đã sống và gắn bó với đất nước này. Người dân Ba Lan rất nhân hậu, tốt bụng và tình cảm. Chúng tôi luôn biết ơn Ba Lan vì đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn cán bộ khoa học, kỹ thuật, trong đó có nhiều người giữ vị trí cao trong lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giữ trọng trách quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến gian khổ, Ba Lan là nước duy nhất có mặt hai lần trong Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam...

Từ kinh nghiệm thực tế ở Ba Lan, ông có suy nghĩ gì về vấn đề thu hút nguồn lực tri thức kiều bào đóng góp cho đất nước?

Tôi nghĩ Nhà nước nên tiếp tục có những chính sách cụ thể và hiệu quả hơn trong việc thu hút nguồn trí thức kiều bào đóng góp cho đất nước. Người Việt Nam có truyền thống hiếu học và quan tâm đến việc học tập của con cái. Nhiều người chăm chỉ làm việc ở nước ngoài cũng với mục đích chủ yếu tạo điều kiện tốt nhất cho con cái học tập và thành đạt. Hiện nay, thế hệ kiều bào thứ hai đã có rất nhiều người thành đạt và việc đóng góp cho đất nước không nhất thiết là phải về nước. Chúng ta cần có những chính sách tốt trong việc xây dựng các cộng đồng người Việt ở nước ngoài để mỗi kiều bào đều cảm nhận được sự quan tâm của đất nước và gắn bó với đất nước hơn.

Nhiều năm qua ông luôn tâm huyết với các hoạt động của Hội. Vậy còn điều gì ông vẫn trăn trở với công tác cộng đồng tại đây?

Tôi là người Việt Nam được cử sang Ba Lan học tập nên tôi mang ơn cả hai đất nước. Tôi tham gia công tác cộng đồng cũng không ngoài mục đích biết ơn cả hai đất nước và mong muốn phát triển cộng đồng người Việt ổn định, uy tín, có vị thế và hội nhập sâu với nhân dân và chính quyền Ba Lan. Điều tôi trăn trở là những người trẻ tâm huyết và quan tâm đến công tác cộng đồng còn ít quá. Chỉ mong các bạn trẻ sẽ xem xây dựng và phát triển cộng đồng là trách nhiệm và quyền lợi cho bản thân và gia đình mình.

Xin cảm ơn ông!

AN LÊ

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/doan-ket-la-suc-manh-cua-nguoi-viet-tai-ba-lan-61347.html