Đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn

Ngày 22/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV sang ngày làm việc thứ ba.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp toàn thể tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp toàn thể tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân

Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày nêu rõ: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vắc-xin và phương châm “bốn tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vắc-xin sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. (Toàn văn Báo cáo đăng trên Nhân Dân điện tử tại địa chỉ https://nhandan.vn/)

Báo cáo thẩm tra về Báo cáo của Chính phủ cho biết: Ủy ban Kinh tế của QH tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%. Tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, thị trường bất động sản, quản lý tài chính cho các đô thị lớn; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện, triển khai chiến lược vắc-xin.

Tiếp tục chương trình phiên họp, QH nghe trình bày về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, trong tổng số 21 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của QH, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, còn hạn chế, tồn tại: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu; liên kết vùng còn lỏng lẻo; kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững; chất lượng môi trường một số nơi suy giảm. Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020. Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

QH cũng đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất QH khóa XV. Theo đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao, thật sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả to lớn, toàn diện mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trên các lĩnh vực. Đồng thời lo lắng, băn khoăn, trong bối cảnh khan hiếm vắc-xin toàn cầu, vắc-xin trong nước chưa sản xuất được, phải có giải pháp thật sự đột phá, khả thi thì mới đạt được tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số; công tác triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 còn lúng túng; một số vướng mắc, bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật tồn tại từ lâu, chưa được khắc phục…(Toàn văn báo cáo đăng trên Nhân Dân điện tử tại địa chỉ https://nhandan.vn/)

Tiếp đó, QH nghe trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019. Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng, quyết toán 1.553.611,589 tỷ đồng, tăng 10,1%. Nguyên nhân tăng so với dự toán chủ yếu do thu từ các khoản thu về nhà, đất, thu khác ngân sách, thuế xuất, nhập khẩu và thu từ dầu thô… Dự toán chi NSNN 1.633.300 tỷ đồng, quyết toán 1.526.892,949 tỷ đồng, bằng 93,5% so với dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2019 cho biết: Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thu NSNN vượt dự toán, đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa được thực hiện từ năm 2018 trở về trước; xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa hoặc không thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Kiện toàn mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XV, đề nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 18 bộ và bốn cơ quan ngang bộ. Đây là cơ cấu tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô và phạm vi quản lý từng bước được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII đề ra, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng: nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị QH lưu ý Chính phủ quan tâm xây dựng lộ trình tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của QH. Trong đó, có yêu cầu “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”; tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới.

Buổi chiều, QH làm việc tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Theo đó, nhiều đại biểu QH chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Chính phủ phải đối mặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát, tác động tiêu cực đến toàn xã hội. Trong hoàn cảnh đó, một số kết quả quan trọng đạt được thời gian qua đã thể hiện quyết tâm và tinh thần vượt khó rất cao của Chính phủ, của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, một số đại biểu QH cũng nêu rõ những hạn chế cần tập trung khắc phục, tháo gỡ kịp thời, trong đó, đáng chú ý là việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do vướng mắc một số quy định của luật pháp liên quan; hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp chưa thật sự hiệu quả, tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế… Vì vậy, Chính phủ, QH cần tập trung rà soát các chính sách, quy định pháp luật về các lĩnh vực nhằm tạo ra những thuận lợi đột phá để vượt qua khó khăn. Có đại biểu nêu ý kiến, Chính phủ, các địa phương cần hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/doan-ket-dong-long-no-luc-vuot-qua-kho-khan-656355/