Đoàn kết, đổi mới để phát triển

Từng hộ nông dân đơn lẻ không thể đàm phán sòng phẳng với tư thương, với doanh nghiệp”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khảo sát mô hình trồng thanh long
của gia đình ông Huỳnh Văn Bảy, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc,
tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hoàng Anh).

1. Hàng trăm đồng bào dân tộc Chăm ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã không vào được hội trường Trung tâm học tập cộng đồng của xã Phước Hữu để trực tiếp gặp gỡ Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong một buổi tiếp xúc.

Do Trung tâm học tập cộng đồng của xã không đủ chỗ, chị Lý Thị Ngọc Hiền và con gái hai tuổi Tuyết Băng phải đứng ngoài và nghe đoàn công tác trao đổi với người dân nhưng kể cả có như vậy thì "mọi người vẫn rất vui”, chị Hiền nói.

Bà Lâm Thị Đòi, 60 tuổi, cũng bế theo cháu là H’ Tina hiện đang học lớp một. Bà tâm sự: “Mẹ nó đi làm ở Sài Gòn, tui bệnh nhưng vẫn chăm nó. Nghe tin ông Nhân về, tôi hồi hộp từ sáng. Chờ ổng từ 4 giờ đến giờ, vẫn chưa ăn tối…”.

Đứng cạnh đó, bà Đổng Thị Đốc kể: Con gái bà đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP HCM. Học xong, con bà về quê nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Bà mong muốn chuyển ý kiến của mình đến ông Nhân và mong rằng: con bà mau tìm được việc làm để được ở gần nhà, nếu không bà phải cho con vào TP HCM làm công nhân.

Nhiều người kể, đồng bào Chăm rất mong muốn cho con đi học đại học, nhưng lo lắng sau khi học xong lại không kiếm được việc làm. “Thậm chí có người còn vay nóng bên ngoài, cứ một triệu thì lãi tháng là 100 ngàn cho con đi học”, một người dân cho hay.

Trong hội trường của Trung tâm học tập cộng đồng xã Phước Hữu, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân không quên đồng bào đang đứng ở ngoài. Ông đề nghị: “Đoàn công tác hãy dành một tràng pháo tay chào mừng bà con ở ngoài không có điều kiện vào hội trường”. Những tràng pháo tay dài vang lên.

2. Vài năm gần đây, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận vượt khó vươn lên cần cù, chăm chỉ trồng thanh long, cấy lúa, nuôi dê, nuôi cừu… nhưng điệp khúc “được mùa mất giá” lại tiếp tục diễn ra.

Nói như ông Phạm Văn Tĩnh, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận: Thanh long trước đây có thể xóa đói, giảm nghèo, nhưng hiện nay thanh long “một nắng hai sương”, đồng bào Chăm không quyết định được gì trong khi tư thương lúc nào cũng có thể ép giá. “Thanh long chủ yếu bán cho Trung Quốc, khi không bán được thì nông dân chỉ đổ bỏ. Chính quyền địa phương nên có hướng đi đúng cho thanh long”, ông Tĩnh kiến nghị.

Lắng nghe những trăn trở của đồng bào Chăm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định “Để giải quyết vấn đề này, thì tất yếu phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Từng hộ nông dân đơn lẻ không thể đàm phán sòng phẳng với tư thương, với doanh nghiệp”.

Người đứng đầu Mặt trận cũng cho rằng: Chỉ có liên kết, đổi mới và sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, nông dân mới có thể làm giàu. “Nếu Ma Lâm có 500 hộ trồng thanh long, liên kết lại với nhau, thành lập HTX và có thương hiệu Thanh long Ma Lâm, thì việc xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như sang các nước khác theo đường chính ngạch sẽ thuận lợi hơn, giá cả mới tốt hơn bởi HTX có tư cách pháp nhân, có những người làm chuyên môn về kỹ thuật, tiếp thị và giám sát chất lượng. Từng hộ đơn lẻ không thể làm được điều này”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Thông điệp “hộ nông dân đơn lẻ có thể sản xuất giỏi nhưng không buôn bán giỏi” được người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhắc lại để nhấn mạnh việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

Câu chuyện Giám đốc HTX Hữu Đức Thuận Văn Tài (Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận) phải đem chính nhà của mình ra thế chấp để vay vốn cho HTX đã làm Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chú ý.

Ông Tài chỉ cần vay ngân hàng 380 triệu đồng, và điều này, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, là không cần thế chấp theo quy định của Chính phủ.

“Tại sao tài sản HTX lại không thể thế chấp để giám đốc HTX Hữu Đức phải mang cả nhà mình đi thế chấp?” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hỏi và đề nghị tỉnh Ninh Thuận thực hiện đúng quy định của Chính phủ, tạo thuận lợi cho HTX Hữu Đức vay vốn. Thậm chí Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân còn khẳng định: Nếu HTX Hữu Đức vẫn còn gặp khó khăn, đích thân Chủ tịch sẽ đứng ra nộp hồ sơ vay vốn cho HTX.

“Đây là một tấm gương trong việc cống hiến hết mình cho sự phát triển của HTX. Ông Tài yêu HTX hơn yêu nhà mình”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trân trọng bày tỏ.

Từ đây, những băn khoăn của Chủ tịch NguyễnThiện Nhân về đổi mới mô hình Hợp tác càng trở nên thời sự. HTX vì có tư cách pháp nhân nên sẽ tạo được niềm tin để ngân hàng cho vay vốn, cũng đủ sức mạnh để đàm phán và điều tiết thị trường, có hệ thống tổ chức để đảm bảo chất lượng nông sản, phát huy nguồn nhân lực có trình độ. Những lợi ích này của HTX, không phải lúc nào người nông dân cũng có thể nhận ra.

Bởi vậy, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân luôn đề nghị các địa phương phải có những hội nghị chuyên đề về tổng kết tình hình HTX, thậm chí có thể mời chuyên gia đến tập huấn cho nông dân về mô hình này.

“Triển khai mô hình HTX kiểu mới chính là giúp cho đời sống nông dân nâng cao và Chính phủ đang khuyến khích, hỗ trợ mô hình HTX kiểu mới”, người đứng đầu Mặt trận khẳng định.

3. Ninh Thuận và Bình Thuận được xem là những địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất so với cả nước. Bởi vậy, trong chuyến tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bên cạnh những trăn trở về việc phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên trong đoàn rất thấu hiểu những trăn trở của đồng bào Chăm trong việc bảo tồn văn hóa, phát huy truyền thống.

“Giữ gìn, phát huy và đề cao văn hóa Chăm trong cộng đồng chính là gốc rễ để giải quyết những vấn đề về nguồn nhân lực, nâng cao vị thế, vai trò của đồng bào Chăm trong sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh như vậy.

Bình Thuận và Ninh Thuận vài năm gần đây bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, thiên tai, nhưng như cảm nhận của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đồng bào Chăm không nói về quá khứ, mà luôn hướng đến tương lai.

“Qua những ngày tiếp xúc với nhân dân, đặc biệt là đồng bào Chăm, chúng tôi rất vui mừng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào không nhắc về quá khứ, mà luôn hướng đến tương lai với những kiến nghị cụ thể.”

Có lẽ đó chính là yếu tố quyết định khiến nhiều gia đình đồng bào Chăm quyết cho con cái ăn học nên người, thành tài.

Nói chuyện với học sinh các trường dân tộc nội trú của đồng bào Chăm tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân luôn lưu ý giới trẻ đồng bào Chăm phải chú ý học chữ viết của dân tộc mình với những đề nghị rất cụ thể, thiết thực.

“Các em học tiếng Chăm từ tiểu học. Vậy nhà trường nên phát động một cuộc thi viết thư tiếng Chăm, để vào đầu năm học, mỗi học sinh viết một bức thư cho thầy cô, cha mẹ để nói những nghĩ suy của mình về quê hương đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định như vậy tại Trường THCS Đổng Dậu, xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận.

Định hướng này cũng được người đứng đầu MTTQ Việt Nam ngỏ ý tại cuộc tiếp xúc đồng bào Chăm tại thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận: “Tỉnh nên xem xét phát động một cuộc thi viết bằng tiếng Chăm cho đồng bào. Nếu có những bài viết hay, các báo có thể đăng tải, các đài có thể đọc trong các chương trình phát thanh và trao giải”.

Ở tầm vĩ mô, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhắc nhở hai tỉnh phải có một đề tài cấp quốc gia về hoàn thiện chữ viết Chăm.

“Phải tập hợp được những người có uy tín, có trình độ, có tâm huyết trong cộng đồng người Chăm để làm được việc này. Ai hoàn thành đề tài, có thể trao bằng tiến sĩ luôn, vì đây là công việc rất hữu ích cho dân tộc Chăm”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích.

Bởi theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, khi mỗi người Chăm đều có thể đọc, viết tiếng Chăm, thì lúc đó truyền thống đoàn kết, hiếu học, cần cù… mới được chuyển tải một cách hữu hiệu nhất cho lớp trẻ.

Điều này cũng chính là thông điệp mà Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gửi gắm đến các em học sinh dân tộc nội trú đồng bào Chăm: “Tương lai của dân tộc Chăm nằm trong tay các em. Hãy chăm học, sáng tạo, đoàn kết và đổi mới để xây dựng quê hương, để mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn".

Dạ Yến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/doan-ket-doi-moi-de-phat-trien/128564