'Đoạn kết cuộc tình' xuất hiện vẹn nguyên hình ảnh người chiến sỹ Công an đáng mến

Dù không chủ ý xây dựng riêng một vở cải lương về hình tượng người chiến sỹ Công an nhưng 'Đoạn kết cuộc tình' vừa ra mắt khán giả đã khép lại bằng một cái kết cổ tích. Và hình ảnh về người đại diện cho pháp luật vẫn xuất hiện vẹn nguyên niềm yêu mến của nhân dân sau rất nhiều thử thách của lòng tham và sự dũng cảm đối mặt với cái xấu.

Vở cải lương “Đoạn kết cuộc tình” được bắt đầu bằng vụ tai nạn giao thông chết người. Lái xe là con ông tổng giám đốc đã được bố tìm người nhận tội và đi tù thay. Điều đó đồng nghĩa với việc, người nhận tội thay sẽ nhận được một khoản tiền thù lao xứng đáng. Với sự tiếp tay của Trưởng phòng CSGT nên vụ án mau chóng khép lại khi nạn nhân nhận bồi thường thỏa đáng, kẻ lái xe nhận tội thay đã ra trình báo trước cơ quan chức năng.

Vở diễn để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả về người chiến sỹ công an

Vở diễn để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả về người chiến sỹ công an

Nhưng cán bộ điều tra (Trung úy Ngọc) vẫn thấy cấn cái trong đầu khi kẻ tự thú khai như học thuộc lòng và không hề băn khoăn lo lắng mẹ già ở quê khi chính anh lại là lao động chính phải vào tù. Không chịu khuất phục trước cái xấu, Trung úy Ngọc đã điều tra lại vụ án và vở kịch đã khép lại khi thủ phạm gây án đã ra tự thú.

Hình ảnh về người chiến sỹ công an đã đến với khán giả hết sức tự nhiên, không lên gây hay đao to búa lớn. Anh là hình ảnh của sự trung thực, với trách nhiệm của mình và dựa vào lương tri của các nhân vật khác đã trả lại sự thật về đúng giá trị của nó.

Do các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Hà Nội thể hiện, kịch bản do tác giả Lê Quý Hiền chấp bút vốn thường mang đặc trưng của thể loại kịch nói đã được chuyển thể trên sân khấu cải lương thành công. “Đạo diễn đã biến một kịch bản viết cho kịch nói thành rất cải lương, chứ không phải kịch nói pha ca hát”- tác giả Lê Quý Hiền nhấn mạnh.

Cảnh diễn nỗi lòng của hai người mẹ đã lấy đi của khán giả nhiều giọt nước mắt

Sở dĩ nói như vậy là bởi, cải lương vốn phù hợp với các sinh hoạt của đời thường. Trong khi đó, kịch bản của Lê Quý Hiền lại đưa một một vụ án lên sân khấu. Các tình tiết điều tra, xử lý vụ án vốn không phải điểm mạnh của sân khấu kịch hát dân tộc. Và cũng vì tính chất đặc trưng của kịch bản như vậy nên đạo diễn Trần Quang Hùng đã thêm, bớt các nhân vật, các cảnh diễn mới để làm mềm mại hơn cho tác phẩm, đồng thời có nhiều tình huống để diễn viên thể hiện giọng hát ngọt ngào.

Vị đạo diễn này đã tạo ra lớp cảnh gặp mặt giữa người mẹ có con tử nạn và người mẹ có con nhận tội thay. Ở đây, nỗi lòng của hai người mẹ đã lấy đi những giọt nước mắt của khán giả. Và còn nhiều cảnh diễn khác đã giúp cho câu chuyện kịch không sa vào vụ án hình sự mà nhấn vào góc khuất trong mỗi con người là lương tri.

Khi lương tri thức tỉnh thì mọi sự sẽ rõ ràng và con ng được sống trong sự thanh thản. Con người có thể trốn tội, chạy tội nhưng vẫn phải sống trong nhà tù của sự lo sợ, dằn vặt, cực hơn trong nhà tù thật.

Vở diễn nhấn mạnh đến góc khuất trong mỗi con người, sự thức tỉnh của lương tri để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn

Dù đã chú ý tới việc cải lương hóa kịch bản của tác giả Lê Quý Hiền, tuy nhiên, vở diễn vẫn nhận được các ý kiến đóng góp của Hội đồng nghệ thuật. Trong đó, việc tiết chế lời thoại ở cảnh mở màn nên được đạo diễn chỉnh sửa thêm để giảm bớt sức nặng của một vụ án được dàn dựng trong nghệ thuật cải lương. Đồng thời, việc sử dụng diễn viên quần chúng cũng nên được tính toán để cô đọng tác phẩm, cắt gọt các chi tiết gây cười không cần thiết để vở diễn bớt lê thê.

Dẫu vậy, vở diễn đã nhận được nhiều lời tán dương của các thành viên HĐNT và để lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng người xem. Tác phẩm

“Đoạn kết cuộc tình” sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Hình tượng Người chiến sỹ CAND năm 2018 và Hội diễn Sân khấu Thủ đô năm 2018.

Phạm Thu Hương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/doan-ket-cuoc-tinh-xuat-hien-ven-nguyen-hinh-anh-nguoi-chien-sy-cong-an-dang-men/771967.antd