Đoàn kết chống Covid-19, nhưng đâu đó lại có sự vô tâm đến không ngờ

Giữa những ngày Chính phủ và nhân dân một lòng đoàn kết chống 'giặc dịch' nhằm nhanh chóng đưa cuộc sống của bà con trở lại bình thường, cùng với đó là những tấm lòng của người dân đóng góp, ủng hộ chống dịch, thì đâu đó lại có sự vô tâm đến không ngờ, thản nhiên thu tiền mặt bằng trước nguy cơ phá sản của nhiều hộ kinh doanh…

Dịch Covid-19 trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt của người dân khắp cả nước. Nhưng ảnh hưởng nhiều nhất chính là các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh khi phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tốt nhất.

Chủ nhà kiên quyết không giảm tiền thuê mặt bằng

Đi dọc các tuyến phố, có thể thấy một Hà Nội rất khác, im lìm, lạnh lẽo. Người ta ví Hà Nội những ngày này giống như mùng 1 Tết. Nhưng không hẳn, vì mùng 1 Tết thì những người ra đường xúng xính váy áo đẹp, tâm trạng hân hoan, vui tươi. Còn đây, nếu ai phải ra đường cũng khẩu trang kín mít. Những chiếc xe lao ù đi trên đường trong trạng thái bất an.

Dịch bệnh đã thay đổi rất nhiều thứ ở đây, nơi đô thị vốn ồn ào, náo nhiệt bất kể ngày hay đêm…

Hàng quán đóng cửa, đồng nghĩa với việc nhiều hộ kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt các hệ lụy như cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ không lương, các khoản vay ngân hàng để đầu tư treo lơ lửng mà chưa nhìn thấy nguồn thu để chi trả… Và tệ hơn, không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh lâm vào tình cảnh phá sản.

Giữa lúc dịch bệnh hoành hành khó lường như thế này, Chính phủ kêu gọi sự đoàn kết trong nhân dân, kêu gọi các chủ cho thuê mặt bằng giảm giá, hỗ trợ khách hàng, người thuê nhà… Nhưng phớt lờ lời kêu gọi của Chính phủ, nhiều người vẫn vô tâm, lạnh lùng đến mức vô cảm trước khó khăn của người đi thuê.

Nhà hàng, quán ăn đóng cửa nhưng nhiều chủ hộ kinh doanh vẫn phải chấp nhận đóng tiền nhà không thiếu một đồng (Ảnh: minh họa)

Nhà hàng, quán ăn đóng cửa nhưng nhiều chủ hộ kinh doanh vẫn phải chấp nhận đóng tiền nhà không thiếu một đồng (Ảnh: minh họa)

Chị Diệu Lài, 35 tuổi, là chủ của một cửa hàng kinh doanh bánh mỳ và chè sầu mang thương hiệu riêng ở đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chị đang đối mặt với những khoản chi đau đầu mà không thấy nguồn thu.

Thuê mặt bằng với giá 15 triệu đồng/ tháng và phải trả 3 tháng liền. Như vậy, mỗi lần chị phải bỏ ra 45 triệu đồng cho việc thuê mặt bằng, chưa kể tiền chi trả cho nhân viên, tiền điện, nước… đủ thứ dồn vào.

“Kể từ khi có dịch, người ta hạn chế đến ăn nên thu nhập của cửa hàng tôi cũng rất bấp bênh. Tôi cũng không vì thế cho nhân viên nghỉ việc, rất tội các em” – chị Lài chia sẻ.

Khi Thành phố thực hiện “Cách ly xã hội”, chị Lài phải đóng cửa hoàn toàn, thế nhưng, tiền thuê mặt bằng vẫn không được giảm.

“Chủ nhà chỉ giảm 5 triệu cho tháng này thôi, còn những tháng sau kiên quyết không giảm. Nếu như dịch sớm kết thúc thì chúng tôi có thể làm ăn được. Chứ nếu kéo dài đến tháng 5, tháng 6 chắc phải đóng cửa mất” – chị Lài cho biết thêm.

Sở dĩ chủ cửa hàng này không đóng cửa ngay, vì nghĩ đã đổ một đống tiền vào đầu tư, không thể bỏ một sớm một chiều.

Trả mặt bằng, “xù” luôn tiền cọc

Thê thảm hơn chị Lài, anh T kinh doanh một cửa hàng thời trang Hàn Quốc cũng tại địa bàn quận Thanh Xuân. Anh T nghiêm túc chấp hành việc đóng cửa hàng cách ly phòng dịch Covid-19.

Theo anh T, anh này có ba cửa hàng, trong đó một cửa hàng trên Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chủ nhà giảm một tháng tiền mặt bằng là hơn 50 triệu đồng, và sẽ có thương lượng nếu dịch bệnh còn kéo dài.

Phố xá im lìm, nhưng không lạnh lẽo bằng lòng người vô tâm giữa tâm dịch (Ảnh: Minh họa)

Một cửa hàng khác của anh T ở TP.HCM, chủ nhà giảm 40% tiền thuê mặt bằng. Nếu như đóng cửa hẳn không kinh doanh chờ qua dịch thì sẽ được miễn phí tiền thuê mặt bằng trong thời gian này. Còn tại cửa hàng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chủ nhà không giảm giá nên anh quyết định cho đóng cửa hàng vì sợ không gánh nổi các khoản tiền vay.

Những tưởng chủ nhà sẽ “mủi lòng” mà bớt, không ngờ, anh T còn bị chủ nhà này “xù” luôn tiền cọc 2 tháng đã đóng trước đó.

Chấp nhận bỏ 400 triệu đồng mỗi tháng vì “không muốn làm khó ai”

Ngược lại với những vị chủ nhà trên, chị Vân, một người cho thuê mặt bằng kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình cho biết, chị có 2 điểm cho thuê để kinh doanh nhà hàng. Mỗi tháng chị thu về 400 triệu đồng từ hai điểm kinh doanh này.

Những ngày triển khai Nghị định 100 về việc xử phạt người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, thấy nhà hàng kinh doanh ế ẩm, chị Vân đã quyết định giảm 1 tháng tiền thuê mặt bằng.

Chị cười bảo: “Mình ngồi một chỗ thu tiền, còn người ta để có tiền thì phải lo đủ thứ. Nếu kinh doanh lãi thì không sao, lỗ thì méo mặt”.

Kể từ khi có dịch, các nhà hàng đóng cửa thực hiện công tác phòng, chống dịch, chị Vân quyết định không thu tiền thuê mặt bằng cho tới khi nào hết dịch. Chị nói: “Giờ mỗi tháng tôi mất 400 triệu đồng thật, nhưng trong lòng cảm thấy đỡ áy náy. Họ không làm ăn được, mình thu tiền của họ thì thực sự quá vô cảm…”

Nhiều người đối mặt với tình trạng phá sản khi phải đóng cửa hàng, tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp nhưng vẫn phải "cõng" trên lưng tiền thuê mặt bằng đắt đỏ (Ảnh: Minh họa)

Giống như chị Vân, bà Phạm Thị Hải ở Cầu Giấy, Hà Nội - chủ nhà cho thuê trọ trên địa bàn phường Nghĩa Tân cũng quyết định miễn phí thuê nhà cho người thuê trọ cho đến hết tháng 6.

“Tôi nghĩ dịch còn kéo dài. Các cháu nó đều là sinh viên, người đi làm thu nhập thấp, nghỉ dịch thế này các cháu cũng không ở lại, về quê cả thì sao mình lại thu tiền của họ?!” – bà Hải chia sẻ.

Cũng theo bà Hải, một số hộ gia đình thuê trọ cũng vẫn xin được trả 50% tiền thuê nhà hàng tháng. Họ cho biết, được giảm giá một nửa đã là mừng lắm rồi.

Thiết nghĩ, trong lúc khó khăn, cả nước gồng mình lên chống dịch, rất cần sự sẻ chia, thấu hiểu của cả cộng đồng. Mỗi người bớt đi chút lợi nhuận riêng, thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và bớt đi những nỗi lo, những gánh nặng trên vai giữa mùa dịch.

An Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/doan-ket-chong-covid19-nhung-dau-do-lai-co-su-vo-tam-den-khong-ngo/848939.antd