Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với UBND tỉnh Kon Tum

Ngày 19.9, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về 'Việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016 - 2021'.

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có biên giới tiếp giáp hai nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum gồm 13 xã thuộc 4 huyện gồm 25 thành phần dân tộc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời gian qua, việc tích cực tuyên truyền và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh, quốc phòng đã góp phần từng bước giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quá các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,84%/năm (từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 10,29% vào cuối năm 2020); bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,67%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 18,75% vào cuối năm 2020).

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hiệu quả hoạt động của mạng lưới thương mại nông thôn còn thấp; thương mại biên giới phát triển chưa ngang tầm với điều kiện của tỉnh. Chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một số nơi chuyển biến chậm. Thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước và xã hội hóa y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao còn khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững; nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng chưa được thu hẹp; công tác quản lý nhà nước về báo chí còn hạn chế.

Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ, kết nối. Việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào hoạt động, cư trú ở khu vực biên giới, cửa khẩu có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy, tín dụng đen, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với UBND tỉnh Kon Tum

UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị cần tiếp tục ban hành Nghị quyết “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá gắn với các cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực nhằm tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên nói chung và khu vực biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên vùng Tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam.

Hiện nay, một số định mức thực hiện chính sách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quy định. Do đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn định mức nêu trên để địa phương có cơ sở sớm triển khai thực hiện Chương trình.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Ngọc Hồi

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, Kon Tum là tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2016-2021, đặc biệt là công tác giảm nghèo.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc thăm, tặng quà Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời tất cả các chính sách dân tộc trên địa bàn. Không để tình trạng lãnh đạo huyện, xã trên địa bàn không nắm được đầy đủ các chính sách đang triển khai. Các sở, ngành cần tích cực tham mưu cho tỉnh để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn. Những kiến nghị của tỉnh sẽ được Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ.

Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã kiểm tra thực tế tại UBND huyện Ngọc Hồi và thăm, tặng quà Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Nhật Trường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/doan-giam-sat-cua-hoi-dong-dan-toc-lam-viec-voi-ubnd-tinh-kon-tum-i301108/