Đoàn đbqh tp.hồ Chí Minh lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số Luật

Chiều 03/9, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã được góp ý trong kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách chủ trì buổi làm việc.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong phiên họp thứ 35 vừa qua. Qua đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 5 điều đối với Luật Tổ chức Chính phủ và sửa đổi, bổ sung 29 điều đối với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh và đại diện các cơ quan, ban ngành, HĐND, UBND các Quận, Huyện trên địa bàn Thành phố tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật. Đa số các đại biểu tán thành với những nội dung sửa đổi của Luật. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi, làm rõ hơn nữa một số vấn đề vẫn tồn tại, như: Chính phủ cần ban hành nhiệm vụ, quyền hạng theo luật cụ thể trong vấn đề phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Chính quyền địa phương; Cần giải thích rõ hơn vấn đề "tinh gọn" trong bộ máy chính quyền là như thế nào? Bởi nhiều đại biểu nhận thấy, luật chỉ đang được góp ý theo hướng "gọn" về số lượng, nhưng vẫn chưa chú trọng làm rõ về chất lượng của bộ máy chính quyền, đặc biệt là vấn đề giảm số lượng cấp phó.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND Tp.Hồ Chí Minh– nhận xét: “Trong vấn đề chung thì tôi thấy tổ chức bộ máy phải nên tinh gọn. Ngay cả cơ quan dân cử cũng phải tinh gọn, chứ ta nói các cơ quan khác cần tinh gọn mà cơ quan dân cử đề nghị "phình" ra thì không thuyết phục. Nói như vậy nhưng chúng ta cũng phải xem xét tình hình đặc điểm cụ thể ở những địa phương khác như những nơi quá đông dân, những nơi đang đô thị hóa, chứ không được gom chung lại thì cũng hơi khó thực hiện.”

Cũng có đại biểu đề nghị cần chất vấn Quốc hội trong kỳ họp tới về việc quyết định thực hiện thí điểm mô hình mới trong bộ máy chính quyền. Cần giải thích rõ hơn về quyết định này, bởi theo đại biểu đang gây ra sự khó hiểu và không đồng bộ trong việc thực hiện Luật suốt thời gian qua. Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội khóa XIII – phát biểu: “Khi làm Điều 111 Hiến pháp là lồng được hai khái niệm: Một là Chính quyền địa phương, hai là cấp chính quyền địa phương. Cấp chính quyền địa phương là có HĐND, UBND, còn chính quyền địa phương thì không bàn vấn đề này ... để tổ chức các cơ quan chính quyền địa phương. Nhưng khi Hiến pháp ra rồi là cơ hội để tổ chức chính quyền đô thị, dự kiến chính quyền cấp Quận, cấp Phường gọi là chính quyền Quận, chính quyền Phường ... chứ không gọi là cấp chính quyền theo đúng Hiến pháp. Nhưng khi luật Chính phủ ban hành thì khóa hết tất cả lại. Giờ lại mở ra lại ... Lại tính thí điểm nữa. Tôi đề nghị, Quốc hội không nên cứ thí điểm, đã tổng kết rồi, lại bỏ, rồi bây giờ lại chủ trương thí điểm.”

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng mong muốn Quốc hội cần xem xét đẩy nhanh tiến trình sửa đổi hai Luật này thật chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Hay ngoài việc xây dựng nội dung Luật dựa vào tình hình thực tế các thành phố lớn, cũng cần chú trọng đến các khu vực đặc biệt như biên giới, hải đảo ...

Kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết tổng hợp, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu, chắt lọc ý kiến để tiếp tục trình lên Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Vũ Thạch

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?ItemID=41691