Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 10/6, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thảo luận tại tổ với Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang và Nghệ An về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chủ trì phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Liên quan đến Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Đại biểu (ĐB) Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sửa đổi luật này. Tuy nhiên, ĐB cũng lưu ý một số nội dung như: Đối với đơn vị sự nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài, việc bổ sung thêm đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh phải có các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể; cần phải xem xét lại nội dung này theo hướng đơn vị có đủ chức năng, nhiệm vụ để thực hiện yêu cầu không. Nếu bổ sung vào dự thảo thì làm rõ các trường hợp thực hiện, tính đến việc có làm gia tăng biên chế hay không?

ĐB cũng chỉ ra trong dự thảo luật có nêu, đối với doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài đã quy về tiêu chuẩn là phải có kinh nghiệm từ 3-5 năm trở lên. Vậy, những doanh nghiệp mới được thành lập có nhiều điều kiện khác đáp ứng được yêu cầu, nhưng lại chưa đủ thời gian kinh nghiệm sẽ như thế nào? Do đó, ĐB đề nghị cần phải xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận.

Mặt khác, ĐB Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, việc quy định thời hạn cấp giấy phép hoạt động 5 năm và gia hạn nhiều lần cần xem xét kĩ. Bởi trong trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt, nhưng đến hạn thì phải gia hạn sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính không cần thiết. ĐB cũng đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trình tự, thủ tục hoặc có quy định mở trong luật; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ hữu quan để thực hiện hiệu quả luật khi được ban hành.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng việc quy định về vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp làm dịch vụ trong Dự thảo Luật Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) là không quan trọng vì nó sẽ thay đổi linh hoạt và cơ quan quản lý nhà nước cũng không quản lý được. Theo đồng chí, vấn đề quan trọng nhất là việc nâng mức ký quỹ của doanh nghiệp. Và đây mới là vấn đề cần thiết phải đưa vào dự thảo luật này.

Cũng theo đồng chí, vấn đề cần quan tâm nữa là phải có chiến lược định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài chứ không chỉ là việc đưa họ đi lao động, kiếm một khoản tiền về nước làm nhà hay mở cửa hàng… Vì thế cần phải có chế tài để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa người đi lao động phải có cơ sở đào tạo hoặc ký kết với cơ sở đào tạo nghề nhằm đào tạo căn bản nghề cho người lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài. Về quy định thời hạn cấp giấy phép 5 năm, đồng chí đặt vấn đề xem xét sự cần thiết của quy định này. Nếu doanh nghiệp hoạt động vi phạm, phải thu hồi giấy phép ngay không cần đợi đến 5 năm. Cùng với đó, đồng chí cũng kiến nghị cần phải có biện pháp minh bạch nhằm hạn chế tình trạng tiêu cực của dịch vụ môi giới, thu phí, thu tiền như hiện nay; không nên coi nặng hình thức xử phạt như nêu trong dự thảo luật.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng thu hút được nhiều ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết, hoàn toàn nhất trí với quy định việc ngừng cung cấp điện, nước đối với tổ chức vi phạm được quy định tạo Điểm Đ, Khoản 2, Điều 86 của dự thảo. Bởi theo đồng chí, thực tiễn qua giám sát của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy, nhiều doanh nghiệp vi phạm đã có quyết định xử lý vi phạm nhưng không tiến hành xử phạt và cũng không có biện pháp bổ sung. Do vậy, việc quy định như trong dự thảo luật là biện pháp cần thiết.

Đồng chí cũng chỉ ra sự không thống nhất giữa một số luật với nhau. Cụ thể, Dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này, tại Chương XV đã quy định nhiều nội dung về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) đã bỏ đi một số quy định liên quan đến thời gian xử phạt, mức phạt… nhưng trong Dự thảo Luật xử vi phạm hành chính lại thiếu một số nội dung đã bỏ ở Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi). Đồng chí kiến nghị Chính phủ cần quan tâm rà soát để đồng bộ hóa một số dự án luật liên quan trước khi trình Quốc hội xem xét nhằm tránh tình trạng bỏ sót các quy định đã được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường, đồng thời tránh sự chồng chéo giữa các luật liên quan.

Đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho ý kiến vào nhiều dự thảo luật tại phiên thảo luận. Ảnh Lê Huyền (Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND và UBND tỉnh)

Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cũng bày tỏ đồng tình về đề nghị tính thống nhất giữa các luật của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trần Văn Minh nêu tại phiên thảo luận.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tham gia, cho ý kiến vào một số nội dung khác liên quan đến các dự thảo luật được đưa vào chương trình phiên thảo luận…

Quang Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202006/doan-dbqh-tinh-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-sua-doi-2487184/