Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Dấu ấn một nhiệm kỳ hoạt động

5 năm qua, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các khóa trước, ý thức được trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh cũng như với cử tri cả nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và các vị ĐBQH tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đã đề cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH tỉnh khóa XIV với cử tri huyện Nông Cống. Ảnh: Phan Nga

Đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội

Một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa trong nhiệm kỳ qua đó là công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ có số lượng luật được ban hành với số lượng lớn, gồm 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Vì vậy, việc tham gia ý kiến của đoàn đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết không chỉ đòi hỏi cao về chất lượng mà còn đòi hỏi cao về công sức và yêu cầu khẩn trương về thời gian. Do đó, hàng năm, căn cứ vào chương trình công tác xây dựng luật của Quốc hội, trên cơ sở chuyên môn được đào tạo của các đại biểu, đoàn đã phân công cụ thể để đại biểu có sự chủ động trong công tác nghiên cứu thực tiễn, thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và các cộng tác viên để chuẩn bị ý kiến tham gia vào các dự án luật. Với mỗi dự án luật, đoàn đều tổ chức lấy ý kiến các ĐBQH, các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị để các đại biểu trực tiếp đóng góp ý kiến; lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật bằng hình thức gửi văn bản; qua tiếp xúc cử tri gợi mở các vấn đề cử tri quan tâm, các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong thảo luận để cử tri góp ý; tổ chức khảo sát thực tiễn thi hành luật, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi để có cơ sở cho việc tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung phù hợp... Trên cơ sở đa dạng các hình thức thu thập thông tin, đoàn đã tổng hợp làm tư liệu nghiên cứu cho các đại biểu tại kỳ họp. Vì vậy, tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa với những lập luận sắc sảo, có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, nhiều ý kiến được Quốc hội, các cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao.

Đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phan Nga

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục để lại những dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Quốc hội với những hoạt động đầy trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tại nghị trường. Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, thẳng thắn và bản lĩnh, các vị ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã tích cực, sôi nổi, cân nhắc thận trọng trong thảo luận, tranh luận, chất vấn thể hiện quan điểm, chính kiến, tham gia góp ý kiến vào hầu hết các nội dung tại các kỳ họp, phát huy cao trách nhiệm trước cử tri, góp phần cùng với Quốc hội hoàn thành tốt nội dung, chương trình của mỗi kỳ họp. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có 120 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường và 228 lượt ý kiến phát biểu tại các buổi thảo luận tổ. Nhiều ý kiến tham gia chất lượng, phù hợp thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, được Quốc hội, cử tri đánh giá cao, được Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu, giải trình.

Nhiệm kỳ qua cũng đánh dấu những thành công của Đoàn ĐBQH tỉnh trong hoạt động giám sát, khảo sát. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 7 cuộc giám sát chuyên đề; phối hợp tham gia 4 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tại địa phương. Phương thức tổ chức hoạt động giám sát có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ của các vị ĐBQH trong đoàn. Qua giám sát, đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về chính sách, cơ chế để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế. Do vậy, nhiều kiến nghị đề xuất của đoàn đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu giải quyết, góp phần tích cực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Đổi mới, sáng tạo và nhiệt huyết

Với phương châm gần dân, sát dân, các ĐBQH trong phạm vi, khả năng của mình đã tăng cường đi cơ sở, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của cử tri; quan tâm thực hiện tốt công tác dân nguyện. Công tác tiếp xúc cử tri được đoàn duy trì, có nhiều đổi mới với việc tổ chức tiếp xúc sâu, sát đến cơ sở, đa dạng hình thức, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực tiếp xúc. Các buổi tiếp xúc đều được thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cử tri có thể dự các cuộc tiếp xúc với ĐBQH, bảo đảm để ĐBQH lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp cử tri, với rất nhiều ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm, không ít cử tri còn hiến kế cho Đảng, Nhà nước đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia, những vấn đề mà Nhân dân đặc biệt quan tâm. Đặc biệt với vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được đoàn tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn.

Hoạt động tiếp công dân của đoàn ngày càng đi vào chiều sâu với phương châm nâng cao trách nhiệm ĐBQH với công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Hàng năm đoàn xây dựng lịch tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh với tất cả các ĐBQH. Lịch tiếp công dân được thông báo công khai trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để người dân biết, tiện liên hệ, theo dõi và tham dự. Do vậy, những ngày tiếp dân của Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri thường đến với số lượng đông và nhiều kiến nghị đã được ĐBQH, Đoàn ĐBQH xem xét, chuyển nhanh cho các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định. Nhiều vụ việc kéo dài đã được đoàn quan tâm đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, tổ chức làm việc với cơ quan liên quan, xem xét thực tế... đã chấm dứt được việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, qua đó tạo niềm tin trong Nhân dân, khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, ngày thương binh - liệt sĩ lãnh đạo Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên, tặng hàng trăm suất quà các gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Các ĐBQH trong đoàn với cương vị công tác của mình đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ sửa chữa 5 nhà văn hóa thôn và 1 trường mầm non cho đồng bào di dân thuộc vùng lòng hồ Cửa Đặt tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk; tặng 2 xe cứu thương cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 1 xe cứu thương cho Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa; trao hàng tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các huyện bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Quỹ Bảo trợ trẻ em; tặng máy tính, máy in, máy chiếu, hàng trăm xe đạp, mũ bảo hiểm cho học sinh cho một số trường học ở các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành...; xây nhà tình nghĩa và hỗ trợ 270 bò giống cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động ủng hộ 5.000 bộ test xét nghiệm SARS-CoV2; tổ chức các đoàn thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tại đảo Mê, đảo Nẹ; đồn biên phòng các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân... góp phần đồng hành người dân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Những hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh. “Đoàn ĐBQH khóa XIV đã tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội, nhất là thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật và xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp Quốc hội. Luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và Nhân dân trong tỉnh để báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét, giải quyết. Thường xuyên giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức giám sát chuyên đề tại các ngành, địa phương, đơn vị có vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri và Nhân dân quan tâm” – là ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tại Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đổi mới mạnh mẽ trong công tác điều hành và hoạt động

Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công với nhiều đổi mới mạnh mẽ trong công tác điều hành, hoạt động và thể hiện rõ nét hơn trách nhiệm với cử tri. Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt hoạt động từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các ĐBQH đã quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát “hơi thở” của cuộc sống để chuyển tải vào chương trình nghị sự; chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ vào các nội dung Quốc hội xem xét, quyết định. Nhiều thủ tục làm việc tại kỳ họp được cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”.

Các kỳ họp Quốc hội vừa là nơi các đạo luật, quyết sách quan trọng được xem xét, quyết định kỹ lưỡng, thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời là nơi phản chiếu đầy đủ, sát thực, rõ nét đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và là nơi hội tụ, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích Nhân dân, quốc gia, dân tộc.

Tôi rất phấn khởi thấy Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã có đóng góp xứng đáng, tích cực, chất lượng, trách nhiệm cao trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đặc biệt là các hoạt động tham gia xây dựng luật và nội dung các kỳ họp; tập hợp phản ánh nguyện vọng, tâm tư của Nhân dân và cử tri trong tỉnh; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát theo quy định pháp luật.

Để Quốc hội tiếp tục đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, theo tôi, cần sớm xây dựng Luật Giám sát Nhân dân để phát huy các hình thức giám sát; tiếp tục tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để bảo đảm cao hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; cần tăng thêm số lượng và nâng cao chất lượng hơn nữa đối với đại biểu chuyên trách; lựa chọn được đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động, thể hiện ý chí, trí tuệ của Nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.

Nguyễn Đức Thắng

Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh

Tạo động lực quan trọng cho sự phát triển

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều bộ luật, luật, nghị quyết quan trọng đã được xây dựng, hoàn thiện... đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tôi thấy rằng, trong vấn đề xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là đã thay đổi tư duy, tiếp cận từ người lao động đến các mô hình kinh tế xây dựng pháp luật rất tốt, chính điều này đã tạo ra động lực quan trọng cho sự phát triển. Đặc biệt có nhiều bộ luật, luật được Quốc hội quan tâm, chỉ đạo, để các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng đã tham gia ngay từ giai đoạn đầu, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương lấy ý kiến, rồi trong quá trình thẩm tra, xây dựng và hoàn thiện phối hợp rất chặt chẽ, sẵn sàng điều chỉnh, sẵn sàng trả lại cơ quan trực tiếp được giao tham mưu, xây dựng luật, chứ không vì lợi ích riêng, xa rời thực tiễn. Chính vì vậy mà chúng ta có được những bộ luật chất lượng rất tốt trong nhiệm kỳ vừa qua. Tôi lấy ví dụ, Bộ luật Lao động, mặc dù đã trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận và chờ bấm nút thông qua, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn của cộng đồng y tế tư nhân, thông qua Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã phản ánh về thời gian làm thêm của nhân viên y tế, có nên đưa lĩnh vực y tế là lĩnh vực đặc thù và nhân viên y tế được làm thêm tăng lên 300 giờ so với trước đây quy định là 200 giờ. Quốc hội đã thấu hiểu và lắng nghe, đồng thời đồng tình chấp thuận nâng lên 300 giờ ngay trước khi bấm nút thông qua Bộ luật Lao động năm 2019. Đây là sự khác biệt, đổi mới so với nhiệm kỳ trước.

Hay như Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), mặc dù đã được Chính phủ dự thảo tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất từ cơ quan của Quốc hội, dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đã được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp...

Đặc biệt các cơ quan của Quốc hội đã phát huy vai trò “người gác gôn” cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như quá trình xây dựng luật. Ví dụ như Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tập hợp đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể để các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các thành phần kinh tế phát huy có hiệu quả tinh thần đóng góp xây dựng luật pháp.

Nói như thế để thấy rằng, Quốc hội nhiệm kỳ qua đã rất thẳng thắn, trách nhiệm, công tâm và sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian qua là rất tốt, từ đó đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội rất ấn tượng trong nhiệm kỳ vừa qua.

TS Nguyễn Văn Đệ

Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực,

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

Đưa được tiếng nói cử tri đến diễn đàn Quốc hội

Phải khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đổi mới phương thức hoạt động, bám sát chương trình nghị sự của Quốc hội, tình hình thực tiễn ở địa phương, đặc biệt là những tâm tư, nguyện vọng của cử tri để xây dựng kế hoạch công tác hằng năm và triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thông qua hoạt động tích cực của mình, các ĐBQH tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối đưa tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của Nhân dân, cử tri xứ Thanh đến diễn đàn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền địa phương để tập trung giải quyết và đề ra chính sách, pháp luật phù hợp, đưa đất nước và địa phương phát triển. Nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước... được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ, chuyển tải đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Qua theo dõi các kỳ họp Quốc hội, tôi thấy, các ĐBQH tỉnh khóa XIV đã tham gia tranh luận, chất vấn hết sức sôi nổi, có chất lượng. Nhiều ý kiến thảo luận của ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đối với các vấn đề về công tác xây dựng pháp luật, đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, giám sát tối cao đã để lại dấu ấn đậm nét, làm “nóng” nghị trường, làm nức lòng Nhân dân và cử tri trong tỉnh, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, ghi nhận.

Đào Xuân Cường

Bí thư Đảng ủy xã Dân Lực (Triệu Sơn)

Mai Sỹ Diến Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV, Chánh Thanh tra tỉnh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-dau-an-mot-nhiem-ky-hoat-dong/134411.htm