Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về Luật Kiến trúc

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 8/11, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Cà Mau, Hậu Giang thảo luận về Luật Kiến trúc. Đây là Dự án luật mới và được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Tại phiên họp, các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu nhiều ý kiến tham gia vào Dự án Luật Kiến trúc. Các đại biểu đều đồng tình cho rằng kiến trúc của nước ta hiện nay chưa thể hiện bản sắc riêng và những nét văn hóa của Việt Nam. Do đó, việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết để điều chỉnh và phát huy vai trò hoạt động về lĩnh vực này.

Cụ thể, đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng, kiến trúc Việt Nam hiện nay chưa thể hiện bản sắc riêng và còn có sự lạc hậu. Do đó, rất cần thiết ban hành Luật Kiến trúc để điều chỉnh và phát huy vai trò của công tác này. Tuy nhiên, để đảm bảo luật có tính khả thi khi đi vào thực hiện, cơ quan soạn thảo phải đánh giá tổng thể, khách quan hoạt động kiến trúc thời gian qua; phân tích những kết quả đạt được và những bất cập; đồng thời cần sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và văn hóa… để có cơ sở đưa ra các quy định sát với thực tiễn; có sự tham khảo pháp luật kiến trúc các nước trên thế giới để áp dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam…. Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng văn bản luật này cần quy định rõ về trách nhiệm, thời gian lưu trữ, quản lý hồ sơ, đồ án, quy hoạch kiến trúc của các công trình vì thực tế có những công trình xây dựng hàng trăm năm sau vẫn cần được nghiên cứu lại hồ sơ để cải tạo, sửa chữa, hoặc thực hiện các hoạt động khác…

Đại biểu Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, thì cho rằng, cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Kiến trúc. Tuy nhiên, đây là Dự án luật mới và khó, nên được cơ quan soạn thảo xây dựng với dung lượng mỏng, nhiều nội dung quy định còn sơ sài, chính sách quản lý nhà nước còn thiếu... Do vậy, đại biểu Trần Văn Minh đề nghị Dự thảo Luật vẫn phải quy định về quản lý và phát huy được hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản theo hướng: Công khai, minh bạch, khách quan; linh hoạt, mềm dẻo, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật; đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, phát biểu thảo luận. Ảnh: Theo Quochoi.vn

Liên quan đến Dự thảo Luật Kiến trúc, đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, chỉ ra rằng: Quy hoạch, kiến trúc và xây dựng là 3 lĩnh vực có quan hệ mật thiết, không tách rời. Tuy nhiên, việc thể hiện mối quan hệ giữa 3 lĩnh vực này tại Dự thảo Luật còn mờ nhạt, chưa rõ nét. Bởi theo Đại biểu Ngô Thị Minh, nếu Dự thảo Luật này không làm rõ được mối quan hệ sẽ rất khó trong việc xác định trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong hoạt động kiến trúc. Do đó Đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị, Dự thảo Luật Kiến trúc cần được xây dựng với quan điểm không chỉ phục vụ công tác quản lý mà còn phải đáp ứng cả yêu cầu về định hướng kiến trúc cho người dân; trong định hướng kiến trúc cần thể hiện rõ những nét của văn hóa Việt Nam và bản sắc Á Đông...

Nguyễn Thị Mai (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201811/doan-dbqh-tinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-luat-kien-truc-2407328/