Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Ngày 11/6, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ với Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Nghệ An về Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác và Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh chủ trì phiên thảo luận.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu thảo luận.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã sôi nổi cho ý kiến vào nhiều nội dung liên quan đến Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Liên quan đến Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng, trong luật này chỉ cần quy định một số giấy phép cơ bản là: Giấy phép kinh doanh, giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư và giấy phép môi trường. Theo đồng chí, vấn đề quan trọng nhất là phải thiết kế công cụ, cơ chế kiểm tra, giám sát và thực hiện liên thông giữa các bộ. Đồng chí cũng nêu vấn đề, có nên tích hợp các loại giấy phép không?

Còn đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thì cho rằng tính thống nhất của pháp luật giữa Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với một số luật khác đang được thiết kế có nội dung mâu thuẫn với nhau. Do đó cần phải thống nhất các luật liên quan trước khi Quốc hội thông qua.

Đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh kiến nghị cần phải đồng bộ hóa giữa Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với các luật liên quan tại phiên thảo luận.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh quan tâm nhiều đến quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được ghi trong dự luật. Đồng chí khẳng định, trong tờ trình đưa ra 2 phương án thì đồng chí đánh giá cao phương án 2. Bởi hiện nay, không phải Bộ nào cũng có chức năng này. Đối với cấp tỉnh cũng có sở chuyên trách là Sở TN-MT. Do đó, đồng chí đề nghị chỉ nên giao cho UBND cấp tỉnh và Bộ TN-MT thực hiện chức năng này trong trường hợp thực sự cần thiết. Về vấn đề quy định cấp giấy phép bảo vệ môi trường ghi trong dự án luật, đồng chí cho rằng không cần thiết, vì mỗi dự án để hoạt động được đều phải có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường rồi. Đồng chí cũng đề nghị cần quy định rõ cơ quan nào có chức năng thực hiện chức năng ra quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đồng chí Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia một số nội dung về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh Lê Huyền (Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND và UBND tỉnh.

Riêng đại biểu Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh lại tham gia sâu vào một số điều luật cụ thể của Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đại biểu, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được xây dựng với 16 chương và 192 điều về cơ bản đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống. Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc quy định giảm thủ tục hành chính bằng việc gộp một số loại thủ tục, giấy phép hiện nay vào với nhau (chẳng hạn: Giấy phép môi trường thay cho giấy xác nhận hoàn thành công trình môi trường, giấy phép xả nước thải, giấy phép xả khí thải; Báo cáo môi trường chung thay cho các loại báo cáo quan trắc, quản lý chất thải, báo cáo môi trường hiện nay...). Các quy định trong dự thảo nhìn chung cụ thể, có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn rút ra từ quá trình áp dụng Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 những năm vừa qua. Tuy nhiên, đại biểu đã đề nghị bỏ Điều 37, chỉnh sửa nội dung tại 15 điều trong dự thảo luật này.

Quang Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202006/doan-dbqh-tinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-bao-ve-moi-truong-sua-doi-2487325/