Đoàn ĐBQH tỉnh: Nhiều đóng góp quan trọng xây dựng pháp luật

Hoạt động lập pháp là một trong những chức năng chủ yếu và quan trọng của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã xác định công tác xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đoàn và đã tập trung làm tốt công tác này thông qua nhiều hình thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV Bùi Sỹ Lợi phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phan Nga

Để nâng cao chất lượng tham gia xây dựng luật, trên cơ sở trình độ chuyên môn và lĩnh vực công tác của từng đại biểu, đoàn đã phân công các ĐBQH trong đoàn nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh một cách phù hợp. Tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân để lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XIV là ngoài việc tập trung lấy ý kiến về các dự án luật trình Quốc hội thông qua, đoàn còn chủ động tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu. Phương thức chính là mở hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia; tăng cường làm việc với các giới, ngành, các cấp (là đối tượng điều chỉnh của dự án luật); lồng ghép lấy ý kiến luật với hoạt động tiếp xúc cử tri để lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ thực tế cuộc sống. Hoạt động lấy ý kiến tham gia xây dựng pháp luật đã tập hợp và huy động rộng rãi được những người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở các sở, ngành, mặt trận, đoàn thể, các địa phương, các doanh nghiệp... tham gia góp ý cho các dự án luật với nhiều nội dung góp ý có cơ sở khoa học và mang tính thực tiễn cao.

Tiếp tục xây dựng và thực hiện cơ chế tư vấn của các tổ chức, chuyên gia, các đơn vị cho ĐBQH và Đoàn ĐBQH, nhất là đối với các dự án luật chuyên ngành. Cách làm trên đã tạo được sự chủ động trong hoạt động của đoàn, đồng thời nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong việc góp ý tham gia xây dựng luật của các ĐBQH. Bên cạnh việc góp ý từng điều, khoản cụ thể, đoàn đã gợi ý, đặt vấn đề và đưa ra thảo luận những nội dung mang tầm vĩ mô, điều chỉnh của luật sát thực tế cuộc sống và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước và hội nhập quốc tế, đưa ra các luận chứng thuyết phục để lập luận cho ý kiến góp ý.

Đặc biệt, đối với các bộ luật và dự án luật quan trọng như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ luật Lao động (sửa đổi)..., việc tổ chức lấy ý kiến vừa là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong Nhân dân để thu thập ý kiến đóng góp của Nhân dân vào các dự án luật, vừa là dịp để giới thiệu, phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành. Thông qua các hình thức trên, Đoàn ĐBQH tỉnh một mặt ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của Nhân dân đóng góp cho dự án luật, đồng thời cũng là dịp tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến Nhân dân các nội dung lớn trong chính sách, pháp luật hiện hành liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Qua các hội nghị, các đợt khảo sát lấy ý kiến đã tập hợp được nhiều tư liệu và tài liệu tham khảo để ĐBQH nghiên cứu, chắt lọc, tham gia đóng góp xây dựng luật tại kỳ họp Quốc hội có chất lượng. Nhiều ý kiến các vị ĐBQH tỉnh quan tâm đưa ra trao đổi trên diễn đàn Quốc hội, được đánh giá là thực tiễn, có tính khả thi và được tiếp thu trong các dự thảo luật, góp phần vào kết quả trong công tác lập pháp của Quốc hội.

Để Quốc hội chính thức thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương và 220 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 với 90,06% ĐBQH biểu quyết tán thành, cùng với việc lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, đơn vị, tổ chức, các tầng lớp Nhân dân, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp các cơ quan của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo bộ luật các nội dung: về thời giờ làm việc bình thường; về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu; về nghỉ lễ, tết; về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan...

Với 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

TS Bùi SỹLợi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các

vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/doan-dbqh-tinh-nhieu-dong-gop-quan-trong-xay-dung-phap-luat/134412.htm