Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV trong ngày làm việc thứ 5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng liên quan đến dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Ngày 25/5, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển điều hành các nội dung của phiên họp.

Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đóng góp về dự thảo Luật này, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An Trần Văn Mão đã tham gia nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Hòa giải đang chồng chéo với các điều luật khác. Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có Luật Hòa giải cơ sở quy định biện pháp hòa giải để giải quyết toàn bộ các mâu thuẫn trong đời sống xã hội; Bộ luật Lao động cũng đã quy định tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích đều phải thông qua thủ tục hòa giải để giải quyết; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại đều có quy định hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp những quan hệ pháp luật mà các luật này điều chỉnh...

Do vậy, ông Trần Văn Mão kiến nghị, thay vì ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Quốc hội có thể xem xét sửa đổi một số nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở về phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả các tranh chấp hành chính thể hiện qua nội dung quy định về đối thoại hành chính để nâng tầm giá trị pháp lý của các hòa giải ở cấp cơ sở, sẽ tránh cồng kềnh, chồng chéo giữa các luật và giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Điều hành tại điểm cầu Nghệ An là các ông Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão. Ảnh: Thanh Quỳnh

Qua thực tế cho thấy, mỗi năm Tòa án nhân dân các cấp phải thụ lý, giải quyết hàng ngàn các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện từ các lĩnh vực khác nhau, nhiều nhất là lĩnh vực dân sự, hành chính. Vì vậy, cần quy định thẩm phán chỉ tham gia khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành công và ban hành quyết định công nhận.

Dự án Luật Hòa giải cũng cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng Hành chính. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại.

Bên cạnh đó, công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án thực chất đây là một loại hình hoạt động dịch vụ bổ trợ tư pháp. Do đó, việc quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án là không phù hợp, các bên tham gia hòa giải phải tự chi trả.

Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Thanh Quỳnh

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/doan-dbqh-tinh-nghe-an-gop-y-xay-dung-du-an-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-268106.html