ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GÓP Ý LUẬT CƯ TRÚ VÀ LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Sáng ngày 1/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Cư Trú (sửa đổi) và Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi).

Toàn cảnh buổi hội thảo góp ý Luật Cư trú và Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)

Toàn cảnh buổi hội thảo góp ý Luật Cư trú và Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi)

Ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ông K’Nhiễu, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các thành viên Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật của tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, quá trình áp dụng của các luật cũng như điều chỉnh, sửa đổi một số câu, từ được dùng trong các điều của luật.

Đại diện Công an tỉnh góp ý cho Luật Cư trú

Đối với Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương 41 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc, điều kiện, trình tự thủ tục đăng ký, quản lý cư trú, quyền trách nhiệm của công dân, hộ gia đình về đăng ký, quản lý cư trú. Góp ý cho dự thảo này, các đại biểu cho rằng cần phải làm rõ quy định các điều kiện đăng ký thường trú, nhất là đối với người đăng ký thường trú vào chỗ ở do mượn, nhờ chỗ ở; làm rõ sự cần thiết của việc giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định về diện tích bình quân chỗ ở làm điều kiện cho việc đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Ngoài ra, một số vấn đề về hình thức quản lý cư trú thông qua sổ hộ khẩu bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, quy định trình tự thủ tục đăng ký cũng được các đại biểu cho ý kiến thảo luận, góp ý.

Riêng đối với Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), với 16 chương, 192 điều, các đại biểu cơ bản thống nhất chung với dự thảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể về đánh giá tác động môi trường, thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc quản lý chất thải, thuế quản lý bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Những nội dung góp ý của các đại biểu sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổng hợp, đề xuất ban soạn thảo - Ủy Ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hai luật này trước khi thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=53747