Đoàn ĐBQH tỉnh: Khẳng định vai trò người đại biểu nhân dân qua hoạt động giám sát

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh xác định công tác giám sát là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Đoàn và của ĐBQH nên đã dành nhiều thời gian cho hoạt động này. Bên cạnh việc tổ chức giám sát theo Chương trình của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Đoàn chủ động giám sát những vấn đề gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương, tích cực tham gia giám sát tối cao tại các Kỳ họp Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để thực hiện giám sát vể triển khai các chính sách, pháp luật quản lý, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2018.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để thực hiện giám sát vể triển khai các chính sách, pháp luật quản lý, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2018.

Chủ động, linh hoạt trong giám sát

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh luôn được chú trọng. Đoàn đã tổ chức triển khai 14 cuộc giám sát, trong đó có 2 cuộc do Quốc hội giao (về thực hiện CSPL về quản lý, sử dụng von tài sản nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp; về thực hiện Luật đất đai 2013); 4 cuộc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao (về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT; sử dụng vốn vay nước ngoài; quản lý, sử dụng quỹ tài chính ngoài NSNN; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo); 2 cuộc do Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội giao; 1 cuộc do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội giao. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh chủ động tổ chức triển khai 5 cuộc giám sát gắn chủ đề với tình hình thực tiễn của địa phương (về việc thực hiện CSPL về bảo vệ môi trường tại Khu Công nghiệp, khu đô thị; về quản lý, phát triển Khu Công nghiệp, Khu kinh tế; về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; tình hình trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri; việc thực hiện kiến nghị sau giám sát). Đây là các cuộc giám sát có nội dung phức tạp, nhạy cảm, nội dung giám sát rộng, liên quan đến rất nhiều văn bản QPPL, giai đoạn thực hiện dài, được dư luận, cử tri, nhân dân quan tâm.

Trong triển khai giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đề cương cụ thể, phù hợp và huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân liên quan. Hầu hết các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã bố trí thời gian tham gia các cuộc giám sát. Các biện pháp giám sát được thực hiện linh hoạt, kết hợp giám sát thực tế với trao đổi, nắm bắt thông tin, phân tích báo cáo của các cơ quan liên quan và nghiên cứu sâu các quy định pháp luật. Các cuộc giám sát của Đoàn được chuẩn bị kỹ về nội dung, điều kiện phục vụ, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được chú trọng, đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ của các đại biểu Quốc hội và đội ngũ chuyên gia.
Tại mỗi cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH mời Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành của tỉnh tham gia. Trước khi nghe các đơn vị chịu sự giám sát báo cáo, Đoàn tổ chức các cuộc khảo sát thực tế kết quả thực hiện về nội dung giám sát, nghe các tổ chức cá nhân có liên quan đến nội dung giám sát phản ánh về hoạt động của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề về kinh tế xã hội, việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước và những vấn đề bức xúc mà cử tri có nhiều kiến nghị... Qua đó, chất lượng các cuộc giám sát của Đoàn được nâng cao, việc đánh giá sát với thực tiễn, các kiến nghị sửa chữa, khắc phục vi phạm đảm bảo đúng người, đúng việc được các đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, kịp thời thực hiện.

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tham gia 19 cuộc giám sát, khảo sát của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội triển khai tại tỉnh. Các đại biểu đã đóng góp nhiều nội dung, ý kiến quan trọng trong các cuộc giám sát. Các ĐBQH là lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội chủ trì và tham gia nhiều Đoàn giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội tại nhiều địa phương trong cả nước như: ĐBQH Vũ Hồng Thanh chủ trì 3 cuộc giám sát của Quốc hội và 1 cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 cuộc giám sát của Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Đối ngoại. ĐBQH Trần Văn Minh chủ trì 03 cuộc giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. ĐBQH Ngô Thị Minh chủ trì 3 cuộc giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực tham gia hoạt động giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội như: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp; cải cách tổ chức bộ máy; công tác tư pháp; công tác giải quyết KNTC... Đoàn thực hiện 25 lượt chất vấn trực tiếp tại kỳ họp và 19 lượt gửi Phiếu chất vấn bằng văn bản với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng, Trưởng ngành. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề bất cập, vướng mắc, được cử tri và Nhân dân quan tâm như: Khó khăn vướng mắc của ngành Than trong sản xuất và tiêu thụ; về giải pháp xử lý các dự án thua lỗ kéo dài; chính sách thuế, phí và phát triển doanh nghiệp, nuôi dường nguồn thu ngân sách; về chi tiêu ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công, xử lý nợ xấu; giải pháp lộ trình thực hiện hoàn thiện thể chế đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án giao thông và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); giải pháp thực hiện cải cách thể chế khắc phục những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; giải pháp tái cơ cấu, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc đầu tư xây dựng các tuyến kè sông biên giới; thực trạng và giải pháp xử lý tồn đọng lượng lớn phế liệu nhập khẩu ở một số cảng biển tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; việc xử lý rác thải nhựa; việc đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão và hậu cần nghề cá Cô Tô... Các nội dung chất vấn của các vị ĐBQH trong Đoàn đã được Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu, trả lời trực tiếp và trả lời bằng văn bản, được cử tri, nhân dân đánh giá cao.

Sát sao với các kiến nghị sau giám sát

Thông qua hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá tình hình thực hiện, những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, xem xét chỉ ra nguyên nhân và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chức năng ở địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” tại TP Móng Cái.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ rõ kết quả đạt được và tổng hợp 208 nhóm ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn bất cập, không phù hợp thực tiễn. Đồng thời, kiến nghị với tỉnh 127 nhóm kiến nghị về các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, pháp luật Nhà nước tại địa phương. Những nội dung kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh sau giám sát đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm tiếp thu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời chỉ đạo các giải pháp thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật.

Bởi vậy, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được kết quả tốt và góp phần tác động tích cực tới đời sống kinh tế - chính trị của đất nước nói chung và đối với tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Điển hình như qua giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiếu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2018”, Đoàn đã kiến nghị Chính phủ rà soát, đánh giá, tích hợp các cơ chế chính sách hiện hành và có giải pháp đồng bộ hơn có tính khả thi cao mang lại hiệu quả nhằm phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực từ NSNN để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình động lực và có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn vùng khó khăn; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng miền, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện công tác giảm nghèo ở cấp xã....

Đặc biệt, Đoàn đã đóng góp nhiều ý kiến tại các hội nghị do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, góp phần vào việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thử 8. Đồng thời, Đoàn đã kiến nghị tỉnh quan tâm bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 135 ở các xã, góp phần để tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2019 có 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh đã được công nhận, đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK, vượt kế hoạch trước 1 năm so với lộ trình Đề án 196.

Hay như qua giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển các Khu Cóng nghiệp, Khu kỉnh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2012- 2018”, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị với ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành trung ương về việc tổng kết, đánh giá kết quả phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế thời gian qua. Từ đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế. Đoàn cũng kiến nghị với tỉnh về việc xem xét, đánh giá các cơ chế chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, quản lý quy hoạch, đất đai, sự phối họp giữa các sở ban ngành địa phương trong quản lý, phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế. Trong Báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 có nội dung đề ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới là phát triển mạnh kinh tế biển, phát huy vai trò các mô hình Khu kinh tế ven biển, Khu Công nghiệp sinh thái gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.

Cùng với đó, qua giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các Khu Công nghiệp và bảo vệ môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2018”; Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm 6 doanh nghiệp với số tiền gần 800 triệu đồng, thanh tra toàn diện 01 doanh nghiệp; kiến nghị tăng cường vai trò của Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý Khu kinh tế trong công tác phối hợp QLNN về bảo vệ môi trường tại các Khu kinh tế, Khu Công nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải, thu gom chất thải để bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường; kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải và xử lý các bãi rác...

Kết quả đạt được qua hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH khóa XIII của tỉnh trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hà Chi

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202104/doan-dbqh-tinh-khang-dinh-vai-tro-nguoi-dai-bieu-nhan-dan-qua-hoat-dong-giam-sat-2530315/