ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG DỰ HỘI NGHỊ GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HỢP NHẤT VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND CẤP TỈNH

Ngày 28/8, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại Đoàn ĐBQH tỉnh

Tại điểm cầu Hậu Giang, dự hội nghị có ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Sau thời gian thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh ở 12 tỉnh, thành phố theo Nghị quyết 580 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018, cho thấy việc hợp nhất này không đáp ứng được mục tiêu đề ra nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng nghị quyết mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.

Theo dự thảo, Nghị quyết có 9 điều; riêng nội dung về cơ cấu, tổ chức của văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, dự thảo đề ra 2 phương án để xin ý kiến các cơ quan hữu quan cấp tỉnh và Trung ương.

Trên tinh thần dự thảo, đa phần địa phương có ý kiến đề nghị thực hiện phương án 1 là có 3 phòng trực thuộc văn phòng hợp nhất, gồm: Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc có thể bố trí thêm 1 phòng chức năng. Biên chế của văn phòng hợp nhất sẽ nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do địa phương quyết định trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị; không vượt quá số lượng biên chế của 2 đơn vị trước khi hợp nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo nghị quyết rà soát, thống nhất lại cách sử dụng một số thuật ngữ trong dự thảo sao cho đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất. Ông cho rằng, đa phần các địa phương thống nhất với cơ cấu Văn phòng hợp nhất theo dự thảo là có 1 chánh văn phòng và 3 phó chánh văn phòng, tuy nhiên không phân công nhiệm vụ đóng khung cho từng vị trí. Thành lập 4 phòng trực thuộc văn phòng hợp nhất và có sự thống nhất như nhau giữa các tỉnh, thành phố. Về biên chế, cần bố trí vừa bảo đảm làm việc chất lượng, hiệu quả và tinh giản biên chế theo chủ trương chung./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=47871